Phát huy vai trò của công nhân lao động trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

(Chinhphu.vn) – “Diễn đàn công nhân lao động vì môi trường năm 2024” mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường, nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Phát huy vai trò của công nhân lao động trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường- Ảnh 1.

Công nhân lao động trao đổi những vấn đề trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Chiều 12/12, tại Hà Nội, Báo Lao Động tổ chức diễn đàn trực tuyến "Diễn đàn công nhân lao động vì môi trường năm 2024".

Với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường, nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn cơ sở trong các hoạt động giám sát công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường tại các doanh nghiệp trên toàn quốc, đồng thời nêu bật các sáng kiến của công nhân lao động trong công tác bảo vệ môi trường, Báo Lao Động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức "Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường" năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá, diễn đàn không chỉ là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, tôn vinh vai trò của lực lượng công nhân, người lao động bảo vệ môi trường mà còn khẳng định cam kết chung của đối với công tác bảo vệ môi trường, góp phần cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, việc hướng đến một nền kinh tế bền vững không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là cơ hội lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sống và bảo vệ môi trường. Công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của mỗi cá nhân trong việc giảm phát thải cũng cần được đẩy mạnh. Việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân về bảo vệ môi trường cần phải triển khai rộng khắp, thường xuyên, lâu dài.

"Hành trình thực hiện các mục tiêu này đòi hỏi sự cam kết, chung tay của tất cả các bên: từ Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đến từng lao động, từng người dân. Chúng ta cần một chiến lược toàn diện, sự phối hợp liên ngành và liên khu vực, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng", ông Lê Công Thành nói.

Trao đổi tại diễn đàn, anh Nguyễn Chí Thanh, công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nêu ý kiến về công tác tuyên truyền giáo dục về ô nhiễm môi trường, phân loại rác thải tới người dân chưa hiệu quả. "Trong thời gian tới, liệu các cơ quan chức năng có biện pháp gì để nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường và phân loại rác thải hay không?", a Thanh nêu câu hỏi.

Phát huy vai trò của công nhân lao động trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường- Ảnh 2.

Các sản phẩm tái chế do người lao động sản xuất góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh: VGP/Thu Cúc

 Phát huy vai trò của các ‘chiến binh xanh’ trong thu gom rác thải tại nguồn

Liên quan đến vấn đề này Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, công tác phân loại rác thải tại nguồn rất cần thiết và tôi rất mong muốn công nhân lao động thực hiện tốt. Trong những năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thông qua hệ thống báo chí, truyền hình, mạng xã hội để tuyên truyền về nội dung, hình ảnh tư liệu nhằm trang bị kiến thức về việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Qua các số liệu thống kê, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức 7.168 buổi mít tinh, tọa đàm tập huấn phổ biến kiến thức cũng như hội thi bảo vệ môi trường với gần 2 triệu công nhân, người lao động tham gia. Công tác thu gom, xử lý được 6.000 tấn chất thải trong đó có 1 triệu chai nhựa đã qua sử dụng, 500kg giấy tái chế với số lượng người tham gia là trên 1,3 triệu đoàn viên người lao động.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm nhấn mạnh sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải. Mối quan hệ giữa quản lý chất thải và nền kinh tế tuần hoàn cũng lần đầu tiên được thể hiện mạnh mẽ qua quan điểm coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, chất thải được đặt trong mối tương quan chặt chẽ với sự phát triển của một nền kinh tế tuần hoàn và khép kín; các sản phẩm, hàng hóa, thức ăn,… sau khi được thải bỏ giờ đây sẽ không kết thúc vòng đời ở bãi chôn lấp hay lò đốt tiêu hủy.

"Bằng cách thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải đúng cách, chúng ta có thể biến những gì từng là chất thải, phải tốn kém tiền của để xử lý thành tài nguyên quý giá, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời sản phẩm. Nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam," ông Trung nói.

Tuy vậy, ông Trung cũng lưu ý để biến chất thải thành tài nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân rộng khắp, thường xuyên, lâu dài về công tác bảo vệ môi trường, phân loại chất thải sinh hoạt; mong muốn tiếp tục phối hợp cùng cán bộ, công nhân, người lao động môi trường trong công tác thu gom, phân loại, tái chế, triệt để chất thải.

"Chúng tôi cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, bố trí hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo để thực hiện quy định phân loại, thu gom, tái chế, triệt để chất thải từ đầu năm 2025," ông Trung nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, trong thời gian tới chính quyền các địa phương cần căn cứ vào đặc tính, thành phần của chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn cũng như hạ tầng kỹ thuật hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; hệ thống cơ sở tiếp nhận chất thải rắn sau phân loại tái sử dụng, tái chế,… để quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ cá nhân, hộ gia đình.

Đối với công nhân thu gom, vận chuyển rác thải (những "chiến binh xanh"), ông Trung cho rằng đây là lực lượng quan trọng và là yếu tố quyết định thành công trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Lý do bởi ngoài các nhiệm vụ được giao, các "chiến binh xanh" sẽ vừa thực hiện công tác thu gom vừa thực hiện hướng dẫn người dân, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại, đồng thời cũng thực hiện việc giám sát người dân việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. 

Thu Cúc

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thực hiện nhất quán, liên tục chính sách ưu đãi, hỗ trợ bảo vệ môi trườngThực hiện nhất quán, liên tục chính sách ưu đãi, hỗ trợ bảo vệ môi trường
Tham khảo thêm
Hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 8/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trườngHoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 8/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/phat-huy-vai-tro-cua-cong-nhan-lao-dong-trong-san-xuat-gan-voi-bao-ve-moi-truong-a123918.html