Dự báo buôn lậu dịp tết diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn
Ngày 12/12, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tháng 11 tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể về trị giá hàng hóa vi phạm.
Theo báo cáo, cơ quan Hải quan đã phát hiện, xử lý 1.666 vụ vi phạm trong tháng, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 3.000 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng, con số này lên tới 16.390 vụ, trị giá gần 30.000 tỷ đồng. Số vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 11 có giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trị giá hàng hóa vi phạm lại tăng mạnh 140%. Đáng chú ý, số vụ vi phạm hành chính tăng, dẫn đến số thu ngân sách Nhà nước từ xử lý vi phạm tăng 242% so với cùng kỳ năm trước.
Về đấu tranh chống ma túy, Hải quan đã bắt giữ 15 vụ với 16 đối tượng trong tháng 11, thu giữ hơn 100kg ma túy các loại. Trong 11 tháng, Ngành đã xử lý 275 vụ với 328 đối tượng bị bắt, thu giữ hơn 2 tấn ma túy các loại.
Tuyến đường biển trở thành điểm nóng về buôn lậu, chiếm tới 55% tổng số vụ phát hiện, tăng 705% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, các vụ vi phạm tại tuyến đường bộ và hàng không đều giảm lần lượt 70% và xấp xỉ 38%. Bên cạnh đó, số vụ việc có dấu hiệu hình sự và chuyển khởi tố cũng giảm đáng kể, 77% so với cùng kỳ.
Hàng hóa vi phạm đa dạng không chỉ được sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau như nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, gian lận thương mại...
Đặc biệt, nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan lưu ý tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế để trốn thuế đang nổi lên tại các khu công nghiệp ngoài cửa khẩu. Cụ thể, một số đối tượng đã "sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan" để trốn thuế.
Các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn tại miền Trung và biên giới Việt-Lào. Tại các khu vực giáp biên giới Việt-Trung, Việt-Campuchia, tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là thực phẩm đông lạnh, hàng tiêu dùng, thuốc lá, vẫn phức tạp. Thêm vào đó, việc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ, vàng qua biên giới cũng có dấu hiệu gia tăng ở tuyến biên giới Tây Nam, đặc biệt tại An Giang.
Dự báo trong thời gian tới, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn lậu sẽ đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Hoạt động buôn lậu tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu như rượu bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ...; các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, động vật hoang dã, sản phẩm làm từ động vật hoang dã... nhằm phục vụ nhu cầu thị trường dịp tết Nguyên đán.
Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác chống buôn lậu. Tại Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ địa bàn hoạt động hải quan, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, bình ổn giá cả thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; không để địa bàn quản lý trở thành điểm nóng về các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tổng cục Hải quan lưu ý các đơn vị trong quá trình triển khai Kế hoạch phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, không làm ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Kiểm soát chặt địa bàn, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu
Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển xã hội; đồng thời để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính cũng đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ trong các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được Tổng cục Hải quan xây dựng và triển khai trong năm 2024.
Làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm như khu vực cửa khẩu (hai bên cánh gà, khu tập kết hàng hóa gần biên giới...), cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh.
Đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ vi phạm
Tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu, chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa, tập trung trọng tâm, trọng điểm theo các tuyến, mặt hàng, loại hình.
Tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma tuý trên tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn. Thông tin liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý phải được xử lý kịp thời, bí mật, chặt chẽ từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc vụ việc. Đảm bảo không để lộ thông tin, bắt giữ được đối tượng.
Chú trọng trong công tác kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tội phạm ma tuý xảy ra trong địa bàn hoạt động hải quan, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm như Cao Bằng, Nghệ An, Điện Biên, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, TPHCM…
Chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Thanh tra....) và các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và chính quyền địa phương kịp thời chia sẻ thông tin, phối hợp đấu tranh chuyên án, bắt giữ đối tượng và hàng hoá vi phạm, đặc biệt là trong đấu tranh các chuyên án về ma tuý.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nganh-hai-quan-tang-cuong-chong-buon-lau-cao-diem-tet-at-ty-2025-a123890.html