Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình

(Chinhphu.vn) - Các thách thức an ninh phi truyền thống (ANPTT) như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, an ninh mạng, an ninh nguồn nước… đang tác động đến mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, rất cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cán bộ lãnh đạo quản lý, trong việc quản trị an ninh phi truyền thống.

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình- Ảnh 1.

Thời đại mới đang xuất hiện nhiều yếu tố mới đe dọa an ninh con người và an ninh quốc gia

Lời tòa soạn: Mối đe dọa ANPTT ngày càng đa dạng và phức tạp, tốc độ và phạm vi ảnh hưởng ngày càng nhanh chóng, trực tiếp, đa chiều đến mọi mặt đời sống xã hội. Đây cũng là quan tâm của Đảng, Nhà nước ta.

Gần đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu trong thẩm định pháp luật, xây dựng văn bản pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia, quyền lợi của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các diễn đàn trong nước và quốc tế cũng nhiều lần đề cập sâu sắc về tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống tới cục diện thế giới, các nước, trong đó Việt Nam.

Trước những vấn đề đặt ra ở trên, cho thấy cần phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cán bộ lãnh đạo quản lý của cả khu vực công và khu vực tư trong việc quản trị an ninh phi truyền thống.

Bài 1: An ninh phi truyền thống - Yếu tố mới đe dọa an ninh con người và an ninh quốc gia

Nguy cơ an ninh phi truyền thống đang nổi lên vừa là mối đe dọa chung đối với toàn nhân loại, đồng thời thử thách khả năng điều hành của các Chính phủ, vừa là phương tiện nhiều quốc gia lợi dụng để làm suy yếu an ninh của nhau.

Cục diện thế giới và khu vực của chúng ta đang trải qua những thay đổi sâu sắc mang tính thời đại. Nhìn chung, tình hình thế giới về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh;  tổng thể hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; tổng thể ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.

Đặc biệt, bên cạnh mối đe dọa về quân sự là sự xuất hiện nhiều yếu tố mới đe dọa an ninh con người và an ninh quốc gia.

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình- Ảnh 2.

GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm (phải) và PGS.TS. Hoàng Đình Phi (trái)

Các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên

Theo Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay đã xuất hiện nhiều vấn đề chúng ta gọi là ANPTT. Đây là những vấn đề an ninh hình thành dựa trên những tác động, nguy cơ phi quân sự, ví dụ như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, nguồn nước...

TIN LIÊN QUANỨng phó hiệu quả với nguy cơ từ an ninh phi truyền thốngTừ nhận diện nguy cơ đến hành động trước thách thức an ninh phi truyền thốngKinh nghiệm giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thốngXây dựng Chiến lược an ninh phi truyền thống toàn diện, thống nhấtỨng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thốngỨng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống

ANPTT thực chất là sự nối dài của an ninh quốc gia, của an ninh truyền thống và cấu thành thêm tổng thể của an ninh quốc gia trong điều kiện hiện nay. GS.TS Nguyễn Xuân Yêm nêu ví dụ trong năm 2024, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nguy cơ ANPTT mà gần đây nhất là thiên tai, bão lũ, vấn đề môi trường, an ninh nguồn nước xảy ra trong tháng 9 liên quan đến cơn bão YAGI đi qua các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Yên Bái và nhiều địa phương khác.

Chúng ta cũng chứng kiến nhiều cuộc tấn công mạng dữ dội nhằm vào các tập đoàn kinh tế lớn như PV Oil, Vinadirec, Tổng công ty VNPost của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Tất cả những vấn đề an ninh như thế này đòi hỏi Đảng và Nhà nước cũng như các cấp, các ngành phải đặc biệt quan tâm trong điều kiện đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - GS.TS Nguyễn Xuân Yêm chia sẻ.

Định nghĩa rõ hơn về ANPTT, PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Trải qua nhiều năm nghiên cứu và phát triển của Trường Đại học kỹ thuật quản trị ANPTT cùng với Viện ANPTT và của nhiều giáo sư đầu ngành của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, chúng tôi kết luận rằng: Quản trị ANPTT là công việc của những chủ thể, những người được luật pháp yêu cầu, ủy quyền trong việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, trong việc nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, hoàn thành lãnh đạo, chỉ đạo thực thi các chính sách, nghị quyết, chiến lược, kế hoạch và hành động để quản trị tốt tất cả rủi ro phi thuyền thống để đảm bảo rằng rủi ro ấy không trở thành khủng hoảng và góp phần giữ vững, đảm bảo an toàn, sự ổn định, sự phát triển bền vững của cá nhân, của gia đình, cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và trên hết cả là của quốc gia".

Ảnh hưởng của an ninh phi truyền thống đối với Việt Nam

Đánh giá và nhận diện về các thách thức ANPTT đang nổi lên và ảnh hưởng của chúng đối với Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm cho biết những nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống trên thế giới xuất hiện ở Việt Nam rất nhiều. Có khoảng 30 nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống đã, đang và sẽ tiếp tục nổi lên thời kỳ hiện nay. Trong đó có 5 nguy cơ đang nổi lên mà chúng ta phải lưu tâm.

Thứ nhất, vấn đề tội phạm xuyên quốc gia. Đây là vấn đề xuất hiện ở Việt Nam và nổi lên rất mạnh trong thời gian gần đây như tội phạm ma tuý xuyên quốc gia, mua bán người xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia.

Thứ hai, an ninh kinh tế của Việt Nam. Nguy cơ chệch hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm giảm tăng trưởng kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình kể cả tại các địa phương, thành phố có mức tăng kinh tế lớn. Vấn đề nợ công của Nhà nước, địa phương, tội phạm vi phạm về kinh tế, nguy cơ đe doạ an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp.

Thứ ba, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước. Đây là vấn đề gắn liền với biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên nhiên mà chúng ta vừa chứng kiến một ví dụ là cơn bão Yagi vừa qua.

Thứ tư, an ninh y tế, an ninh sức khoẻ liên quan đến an toàn của các cơ sở y tế, an ninh dân số, già hoá dân số, mất cân bằng giới tính, an toàn thực phẩm…

Thứ năm, các nguy cơ đe doạ về an ninh mạng và an ninh mạng xã hội. Đây là một trong những loại tội phạm tăng trưởng nhanh nhất trong các loại tội phạm của Việt Nam.

Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình- Ảnh 8.

Đại tá, TS. Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang

Chia sẻ về thực tế các thách thức ANPTT tại địa phương, Đại tá. TS Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, Tuyên Quang cũng đối mặt với 5 nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống trước mắt cũng như trong tương lai.

Cơn bão YAGI đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc (tháng 9/2024) cho thấy nguy cơ về an ninh nguồn nước, rủi ro về môi trường rất rõ ràng. Trong cơn bão đó, Tuyên Quang cũng là một trong những tỉnh đối diện với ngập lụt, mưa lớn diện rộng và lần đầu tiên Thủy điện Tuyên Quang phải mở cả 8 cửa xả. Cùng với việc xả lũ, mưa lớn cũng như dòng chảy dồn về, ngập lụt trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề đến tài sản, tính mạng người dân, và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, môi trường trên địa bàn Tuyên Quang.

Sau đợt bão lũ, đã có 5 người chết, 6 người bị thương, nhà cửa sập đổ, hoa màu thiệt hại; sau khi nước lũ rút, nguy cơ về bệnh tật, y tế, môi trường hiện hữu rất rõ… Giả sử trong lúc bão lũ, bắt buộc phải xử lý phá đập tràn chủ động hồ thủy điện Thác Bà thì không khác gì một "quả bom nước" trút xuống Tuyên Quang và nguy cơ thiệt hại rất lớn, thậm chí cuốn trôi thành quả phát triển của địa phương nhiều năm qua.

"Điều đó cho thấy chúng ta phải có biện pháp chủ động xử lý, phòng ngừa các thách thức, nguy cơ an ninh phi truyền thống từ sớm, từ xa", Đại tá Đỗ Tiến Thùy nhấn mạnh.

Phương Liên


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nang-cao-nang-luc-quan-tri-an-ninh-phi-truyen-thong-trong-ky-nguyen-vuon-minh-a123829.html