Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 5/12 đã công bố việc thực hiện thành công một cuộc thử nghiệm bay quan trọng đối với hệ thống chuyên phục vụ việc phát triển vũ khí siêu thanh, gọi là MACH-TB.
Cuộc thử nghiệm với phương tiện tăng tốc quá trình thử nghiệm các hệ thống siêu vượt âm MACH-TB do Trung tâm quản lý tài nguyên thử nghiệm (TRMC) của Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện vào tháng 11, với sự phối hợp của Trung tâm tác chiến mặt nước thuộc Hải quân Mỹ.
Thành công của cuộc thử nghiệm đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình theo đuổi công nghệ siêu thanh của Mỹ.
MACH-TB được thiết kế để thúc đẩy quá trình thử nghiệm và phát triển các hệ thống siêu vượt âm trên nhiều nhánh của Quân đội Mỹ và các cơ quan liên bang khác.
Mục đích chính của nó là "mô phỏng và thử nghiệm các điều kiện siêu thanh trong các tình huống bay thực tế", cung cấp những hiểu biết quan trọng về hiệu suất của các loại vũ khí tiên tiến, từ đó tăng cường đáng kể năng lực quân sự của "xứ cờ hoa".
Bằng cách sử dụng các dịch vụ phóng thương mại, Bộ Quốc phòng Mỹ muốn giảm chi phí và thời gian liên quan đến việc thử nghiệm các thành phần siêu thanh đồng thời tăng tần suất thử nghiệm.
Ông George Rumford, Giám đốc TRMC, đã nhấn mạnh giá trị của phương pháp tiếp cận này. Ông nói: "Việc tận dụng các dịch vụ phóng thương mại cho phép chính phủ thử nghiệm các thành phần sớm và thường xuyên hơn, đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí siêu thanh với chi phí phải chăng".
Phương pháp tiếp cận này không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình thử nghiệm mà còn cho phép phản hồi nhanh chóng về hiệu suất của các công nghệ siêu thanh, biến nó thành một yếu tố quan trọng để phát triển các khả năng tiên tiến cho các lực lượng Mỹ.
Chương trình MACH-TB đã phóng thành công tàu thử nghiệm cận quỹ đạo đầu tiên, ngày 17/6/2023, đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới việc phát triển công nghệ siêu thanh của Mỹ. Ảnh: NSTXL
Vũ khí siêu thanh được định nghĩa là những vũ khí di chuyển với tốc độ lớn hơn Mach 5 hoặc gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Những vũ khí này đặc biệt đáng chú ý vì khả năng cơ động khi di chuyển với tốc độ cực cao, khiến chúng rất khó bị theo dõi hoặc đánh chặn bằng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.
Sự kết hợp giữa tốc độ và khả năng cơ động này tạo ra những lợi thế chiến lược đáng kể cho bất kỳ lực lượng quân sự nào có khả năng triển khai chúng.
Trong cuộc đua công nghệ siêu thanh, Nga đang dẫn đầu, với Trung Quốc và Ấn Độ bám sát phía sau. Mỹ đang nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách trong cuộc đua này với các đối thủ.
Với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu như Trung Quốc và Nga đang tăng cường các chương trình phát triển vũ khí siêu thanh của mình, nhu cầu dẫn đầu trong lĩnh vực này đối với Mỹ chưa bao giờ cấp thiết hơn thế.
Vũ khí siêu thanh đang trên đà cách mạng hóa các chiến lược quân sự trên toàn thế giới và các sáng kiến như MACH-TB là điều cần thiết để đảm bảo Mỹ có thể vươn lên dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghệ này.
Minh Đức (Theo Army Recognition)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/buoc-tien-moi-trong-cong-nghe-vu-khi-sieu-thanh-cua-my-a123383.html