Giải quyết hài hòa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đã giải quyết cơ bản hài hòa, hợp lý giữa công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị. Tuy nhiên, cần tuyên truyền, xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Giải quyết hài hòa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 1.

Hà Nội giải quyết hài hòa giũa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Năm 2022 Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bước đầu khai thác hiệu quả các sản phẩm để thúc đẩy công nghiệp văn hóa

Theo ông Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, Nghị quyết cũng đánh giá và làm rõ thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Hà Nội; từ đó nhận diện đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, những hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải đối mặt trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Trong hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Nghị quyết nhấn mạnh cần triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa.

Đây được coi là bước đột phá trong phát triển Thủ đô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, gia tăng thu nhập, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố và GDP quốc gia, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, đời sống của Nhân dân.

Từ Nghị quyết về công nghiệp văn hóa, Thành phố đã triển khai nhiều dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế sáng tạo… như không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng, chương trình biểu diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ"...

Hà Nội hiện có 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt (trong đó có 89 di tích đơn lẻ và 01 di tích cách mạng kháng chiến), 1.160 di tích xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 27 di tích xếp hạng loại hình cách mạng kháng chiến), trên 1.460 di tích xếp hạng cấp Thành phố, khoảng 3.210 di tích chưa xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê.

Bên cạnh đó, bước đầu khai thác hiệu quả không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn), điểm văn hóa thưởng thức Trà sen Quảng An; tiếp tục xây dựng điểm du lịch văn hóa "Cụm di tích đình, chùa Võng Thị và mô hình làng nghề sản xuất giấy dó"; tổ chức hoạt động du lịch quảng bá các sản phẩm truyền thống làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín); làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); làng nghề lụa Vạn Phúc (quận Hà Ðông)…

Một số làng nghề được đầu tư đồng bộ (hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn, xây dựng khu trung tâm giới thiệu làng nghề, xây dựng các hoạt động trải nghiệm văn hóa cho khách tham quan, bồi dưỡng kiến thức cho người dân địa phương), trở thành điểm du lịch văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Xác định sản phẩm văn hóa là sản phẩm bền vững nhất, Hà Nội chủ trương tập trung đầu tư một cách bài bản cho sản phẩm văn hóa tại các điểm di tích cả về mẫu mã, chất lượng mang bản sắc Thủ đô.

Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị

Theo ông Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, trong nhiều năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản pháp lý và văn bản chỉ đạo điều hành liên quan tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; phân cấp quản lý.

Trong đó, xác định rõ Thành phố trực tiếp quản lý 10 di tích văn hóa tiêu biểu và phân cấp quản lý các di tích văn hóa còn lại cho các quận, huyện, thị xã; quy định ngân sách thành phố đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến, ngân sách cấp huyện đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn lại trên địa bàn, đảm bảo đúng quy trình hoạt động tu bổ di tích.

Giải quyết hài hòa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 2.

Du khách đến thăm quan di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám - Ảnh: VGP/Gia Huy

Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn nhận định, Hà Nội đã giải quyết cơ bản hài hòa, hợp lý giữa công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị.

Tiêu biểu như áp dụng một số mô hình hiệu quả, tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến dư luận nhiều chiều, giải quyết những vi phạm trong quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa. Một số quận nội thành làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển được nhiều hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích, như tại đình Kim Ngân, đền Quan Đế, Bích Câu đạo quán, chùa Hòe Nhai, đền Đông Hạ, đền Hai Bà Trưng...

Không ít vụ việc xâm phạm di sản văn hóa được phát hiện và giải quyết kịp thời; giải quyết các nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn, Cầu Giấy, Đội Cấn với việc thực hiện đầy đủ, chi tiết hoạt động tư liệu hóa các hố khai quật khảo cổ, đưa toàn bộ tài liệu, hiện vật về lưu trữ, bảo quản tại bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.

Dù còn một số di tích bị vi phạm trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong việc giải quyết hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị.

Có rất nhiều kinh nghiệm được áp dụng trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo di tích ở Hà Nội như việc xây dựng dự án bảo tồn tại chỗ khu 18 Hoàng Diệu thành "bảo tàng ngoài trời" để phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan du lịch được đánh giá là biện pháp rất hiệu quả, vừa bảo đảm giữ gìn, vừa tạo cơ hội phát huy giá trị di sản.

Giải pháp thực hiện tư liệu hóa chi tiết và đầy đủ các hố khai quật khu đàn Xã Tắc ở ngã năm Ô Chợ Dừa, đưa những hiện vật có thể di chuyển được về bảo quản, trưng bày trong bảo tàng, sau đó lấp cát theo phương pháp khoa học toàn bộ hố khai quật rồi bàn giao mặt bằng cho chủ dự án thi công đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Cách làm này vừa bảo đảm công tác bảo tồn lại không cản trở nhu cầu phát triển đô thị. Ngoài ra, việc giải quyết các nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn, Cầu Giấy, Đội Cấn sau khi thực hiện đầy đủ, chi tiết việc tư liệu hóa các hố khai quật khảo cổ, đưa toàn bộ tài liệu, hiện vật về lưu trữ, bảo quản tại bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị di tích.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số địa phương của Hà Nội chưa có sự điều tiết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân số gia tăng, sự kết nối giữa kiến trúc đô thị và giao thông đô thị chưa đồng bộ cũng tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương trên địa bàn thành phố chưa thường xuyên, kịp thời, đã dẫn tới tình trạng vi phạm, xâm hại di tích ở một số nơi chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa, song do số lượng di tích lịch sử, văn hóa của thành phố lớn, nhiều di tích xuống cấp nên nguồn kinh phí cho tu bổ di tích chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Doãn Văn, Hà Nội cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về quyền và nghĩa vụ đối với các di sản văn hóa thông qua nhiều hình thức (như tăng cường không gian công cộng để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng nhằm truyền tải ý nghĩa và giá trị của di sản văn hóa đến với các tầng lớp nhân dân…). Phát huy vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa.

Xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó cần chú ý đến lợi ích của cộng đồng, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong toàn bộ các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn KiếmMang di sản đến gần hơn với nhân dânĐiểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô phù hợp với tình tình thực tế. Rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó chú ý nội dung về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch của Hà Nội.

Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý di sản văn hóa để nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chú trọng hơn nữa yếu tố bảo tồn di sản văn hóa trong công tác quy hoạch đô thị của Hà Nội, tiếp cận vấn đề một cách tổng thể, liên ngành để đề xuất các giải pháp thích hợp, tạo dựng cảnh quan phù hợp, góp phần làm tăng giá trị và tạo điểm nhấn cho các địa phương có di sản văn hóa.

Đặc biệt, cần gắn kết hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đô thị với hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Có chiến lược, kế hoạch dài hạn để tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với quy mô lớn hơn, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Gia Huy

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/giai-quyet-hai-hoa-bao-ton-di-san-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a123138.html