Trung Quốc đột ngột giảm mạnh việc mua một mặt hàng tỷ đô của Việt Nam, vì sao vậy?

Có nhiều nguyên nhân khiến cho sản lượng của mặt hàng này trong tháng giảm mạnh.

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải Quan, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong tháng 10 chỉ đạt 212 triệu USD, giảm 68,4% so với tháng 9 và giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất sầu riêng của Việt Nam, chiếm hơn 90% tổng lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong tháng 10 vừa qua, sản lượng nhập khẩu đã giảm mạnh, giảm 70% so với tháng 9 và hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái , chỉ đạt gần 190 triệu USD.

Các thị trường khác như Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức giảm từ 40% đến 56% so với tháng trước. Đặc biệt, Campuchia không nhập khẩu bất kỳ lô hàng nào từ Việt Nam trong tháng vừa qua.

Trong khi các thị trường trọng điểm giảm nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam thì các thị trường nhỏ hơn nhập khẩu sầu riêng Việt Nam vẫn tăng mạnh. Trong đó, Papua New Guinea đạt 1,8 triệu USD, tăng 550%; xuất khẩu sang Mỹ đạt 1,5 triệu USD, tăng 63%.

Trung Quốc đột ngột giảm mạnh việc mua một mặt hàng tỷ đô của Việt Nam, vì sao vậy?- Ảnh 1.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu sầu riêng tháng 9 tăng tích cực nhưng từ giữa tháng 10, sầu riêng đã trở nên khan hiếm.

Biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan như mưa kéo dài kết hợp nắng gắt đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả. Năm nay, thời tiết diễn biến thất thường nên đã gây ảnh hưởng lớn đến mùa vụ sầu riêng. Tại các vùng trồng trọng điểm ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, sầu riêng bị sượng, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Cùng với đó, mùa vụ năm nay kết thúc sớm hơn mọi năm khiến nguồn cung hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu. Cuối vụ, nhiều nhà vườn đang trồng sầu riêng bị thất thu dẫn đến việc sản lượng bị hao hụt, không đủ xuất khẩu.

Ngoài ra, vụ sầu riêng trái vụ ở miền Tây Nam Bộ, nhiều nhà vườn chưa xử lý cây đúng kỹ thuật và gặp phải thời tiết bất lợi dẫn đến cây bị sốc nhiệt, rụng bông hàng loạt nên tỷ lệ cho trái chỉ đạt 30 - 50%.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD sầu riêng. Tuy nhiên, đánh giá của ông Nguyên,sự sụt giảm sản lượng ở các vụ thu hoạch chính và trái vụ đã khiến kế hoạch này trở nên khó khăn.

"Hiện nay, Việt Nam chỉ còn sầu riêng vụ nghịch, chủ yếu ở các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, năm nay vụ nghịch cũng mất mùa nên sản lượng rất thấp. Chính vì vậy, dự báo kim ngạch 2 tháng cuối năm khả quan. Xuất khẩu sầu riêng cả năm đạt mức tối đa 3,3 tỷ USD, thấp hơn khoảng 200 triệu USD so với các dự báo trước đó", ông Nguyên chia sẻ.

Trung Quốc đột ngột giảm mạnh việc mua một mặt hàng tỷ đô của Việt Nam, vì sao vậy?- Ảnh 2.

Ở một diễn biến khác, số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 9, sản lượng sầu riêng nhập khẩu vào nước này đạt hơn 894 triệu USD, tăng 58% về lượng và tăng 39% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chung, 9 tháng năm 2024, Trung Quốc đã chi 6,2 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 1,38 triệu tấn sầu riêng, tăng 11% về lượng và gần 6% về giá trị.

Trong tháng 9, Việt Nam đã trở thành nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc. Trong tháng, sản lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt xấp xỉ 177.000 tấn, giá trị gần 641 triệu USD, chiếm đến 72% kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong tháng. Sản lượng này đã tăng đột biến 90% về lượng và 72% về giá trị so với tháng 9/2023.

Tính trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt gần 618.000 tấn, thu về 2,45 tỷ USD, tăng 72% về sản lượng và 57% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn thứ 2 sang thị trường tỷ dân này với khoảng 40% thị phần sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc.


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/trung-quoc-dot-ngot-giam-manh-viec-mua-mot-mat-hang-ty-do-cua-viet-nam-vi-sao-vay-a122698.html