Hôm nay (29/11), Cục Thủy lợi phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn "Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Đảm bảo an ninh nguồn nước là vấn đề cấp bách
Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm "Nước là tất yếu của sự sống, là nguồn lực của quốc gia, có vai trò quan trọng đặc biệt trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường. Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là vấn đề cấp bách, tất yếu khách quan; là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân".
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, mặc dù Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hòa các nguồn nước sẵn có, các hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thói quen sử dụng nước chưa tiết kiệm của người dân đã và đang tạo sức ép rất lớn đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiêu thoát nước cho đô thị, xử lý nước thải.
Riêng với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đây là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, thế nhưng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước.
Các vấn đề nổi bật bao gồm: Sự gia tăng các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, việc chuyển hướng dòng chảy sông Mê Kông sang các khu vực khác, suy giảm chất lượng môi trường đất và nước, thay đổi mục đích sử dụng đất kèm theo mâu thuẫn trong phân bổ nguồn nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, khai thác tài nguyên nước vượt quá mức cho phép, cùng với tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng… Những thách thức này đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân địa phương và an ninh lương thực quốc gia.
Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), cho biết, tổng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt cho dân số vào khoảng 1 tỷ m3. Khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến hệ lụy về sụt lún, nước ngầm đang bị suy thoái, nhiễm phèn.
Viện khoanh vùng thực hiện công tác phát triển thủy lợi, ưu tiên tạo vùng nước mặt để phục vụ nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Những khu vực khó khăn như Cà Mau, Bạc Liêu khi nguồn nước mặt chưa đến, phải sử dùng nước ngầm, Viện khuyến nghị Nhà nước nên đầu tư các hồ chứa nước phân tán, cục bộ, quy mô nhỏ giúp tận dụng lượng mưa lớn, điều tiết nguồn nước phục vụ mùa khô. Khuyến cáo người dân vùng khó khăn, ven biển, đầu tư bể, hồ chứa nước ở các chất liệu khác.
Theo đó, cần khuyến khích ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách đóng vai trò trong việc cho vay hỗ trợ. Sử dụng nước sinh hoạt có nhiều giải pháp như lọc nước biển thành nước ngọt, tuy nhiên, chi phí khá cao. Đối với nông nghiệp, cần ứng dụng các giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nước.
Xây dựng các công trình đa mục tiêuÔng Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết, các đơn vị của Bộ NN&PTNT đang đề xuất danh mục và kinh phí cho xây dựng các công trình liên quan đến khai thác nguồn nước và phòng, chống thiên tai ở ĐBSCL.
Mặc dù vậy, vấn đề này vẫn còn phụ thuộc vào nguồn lực cũng như quá trình phê duyệt danh mục của Nhà nước để phân bổ kinh phí cho ĐBSCL trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trên cơ sở đề án đang xây dựng về đối phó với 5 vấn đề lớn của ĐBSCL gồm sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún thì các giải pháp đưa ra phải giải quyết được nhiều vấn đề. Ví dụ như giải pháp trữ nước, tiết kiệm nước để phục vụ sinh hoạt thì sẽ góp phần giảm khai thác nước ngầm, giảm sụt lún.
Để bảo vệ bờ sông, bờ biển, thì cần tích hợp giải pháp về phát triển kinh tế bằng cách đầu tư hệ thống công trình bảo vệ bờ để thích ứng với nước biển dâng, từ đó giúp tái tạo được hệ thống rừng ngập mặn. Ngoài ra, cần đầu tư tổng thể các công trình để đảm bảo duy trì 3 phân vùng sinh thái của ĐBSCL: Ngọt, Ngọt lợ, Lợ mặn. Từ đó, đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
"Với cùng một chi phí, chúng ta phải có được các công trình phục vụ đa mục tiêu, phục vụ đa ngành, phát huy tối đa hiệu quả. Đó là quan điểm xuyên suốt của đề án", ông Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khẳng định.
Ông Đinh Thanh Mừng, Phó trưởng Phòng An ninh nguồn nước, Cục Thủy lợi, cho biết vấn đề thiếu nước tại ĐBSCL thường chưa được chú trọng đúng mức. Sau đợt hạn mặn 2019-2020, vai trò của việc tăng cường chỉ đạo trong quản lý nguồn nước trở nên cấp thiết. Khác với các loại cây trồng các, cây ăn quả tại ĐBSCL là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thiếu nước, khó phục hồi hơn, trong khi đây là loại cây trồng quan trọng của vùng và toàn quốc.
"Việc tiết kiệm nước được đánh giá có ý nghĩa lớn hơn bao giờ hết", ông Đinh Thanh Mừng nhấn mạnh, và thông tin thêm, Bộ NN&PTNT sẽ gửi tài liệu hướng dẫn khoanh vùng và tiết kiệm nước để hỗ trợ địa phương.
Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, cho biết các nhánh nhỏ của an ninh nguồn nước sẽ được thúc đẩy hơn bao gồm xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, tích nước vào mùa mưa để sử dụng trong mùa khô.
Ông Văn Anh cho biết, trong thời gian tới, hệ thống thủy lợi sẽ được đầu tư với các giải pháp kỹ thuật cụ thể, như hạ thấp cửa lấy nước, phân phối và điều tiết hiệu quả nguồn nước, đồng thời phân bố nguồn nước từ những khu vực dồi dào sang những vùng thiếu hụt. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước bền vững, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/day-manh-thong-tin-ve-bao-ve-an-ninh-nguon-nuoc-a122659.html