Trang The War Zone (Mỹ) hôm 27/11 đặt ra nghi vấn về phương tiện quân sự mà Ukraine vừa sử dụng để tấn công một trong những nhà máy lọc dầu ở Nga.
Chiếc máy bay không người lái (UAV/drone) được truyền thông đưa tin rộng rãi là "to như máy bay" và đã bay xa tới 1.300 km để gây thiệt hại cho nhà máy lọc dầu Nga, thực chất có thể là một chiếc máy bay hai tầng cánh An-2, trang tin quân sự của Mỹ cho hay.
Theo TWZ, các đoạn video được đăng trên X/Twitter hôm 27/11 cho thấy một vật thể bay có cấu hình cánh và hình dạng tổng thể phù hợp với một chiếc An-2 đang bay rất thấp trên một nhà máy lọc dầu ở thành phố Salavat, Cộng hòa Bashkortostan thuộc Nga, cũng như súng phòng không bắn vào nó.
Bất kể hoàn cảnh cụ thể là gì, điều này làm nổi bật đẳng cấp đã được khẳng định của "huyền thoại" máy bay hai tầng cánh An-2 được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, và có thể có hoặc không có người lái.
Antonov An-2 là một loại máy bay hai tầng cánh hạng nhẹ, một động cơ, cất cánh lần đầu vào tháng 8/1947. Chiếc máy bay này là thiết kế đầu tiên của Văn phòng thiết kế OKB-153, do ông Oleg K. Antonov đứng đầu, có trụ sở tại Kiev, Ukraine và lúc đó thuộc Liên Xô.
An-2 đã lập kỷ lục về sản lượng và sự nghiệp bay kéo dài hơn 4 thập kỷ. Ban đầu, nó được thiết kế cho mục đích dân dụng, nhưng với tính linh hoạt siêu cao, An-2 có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, bao gồm vận tải hạng nhẹ, tìm kiếm và cứu nạn, sử dụng trong các hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp, khảo sát địa lý, ném bom và nghiên cứu.
Các phiên bản quân sự phục vụ trong các lực lượng vũ trang Liên Xô, sau đó là Nga, và các đồng minh của họ. NATO gọi máy bay hai tầng cánh An-2 là "Colt", nhưng nó được biết đến rộng rãi trên khắp Liên Xô cũ là "Annushka" (Annie).
Với khung kim loại nhưng cánh được phủ vải, máy bay hai tầng cánh An-2 có tiết diện radar tương đối nhỏ so với kích thước của nó. Nó có thể bay cực kỳ chậm và thấp, giúp tránh bị phát hiện hơn nữa. Ngay cả trong một số trường hợp đối phương sử dụng máy bay ở trên cao với radar nhìn xuống-bắn hạ cũng khó lòng phát hiện ra An-2.
Máy bay cũng có khả năng cất cánh và hạ cánh đường băng ngắn ấn tượng, khiến nó rất thích hợp để hoạt động tại các khu vực có đường băng ngắn và đường băng dã chiến. Điều này kết hợp với khả năng hoạt động trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến "Colt" trở thành phương tiện lý tưởng cho các nhiệm vụ ở các vùng xa xôi và chưa phát triển.
Ngoài nhà máy ban đầu tại Novosibirsk ở Liên Xô cũ, An-2 đã được sản xuất tại Ukraine, Ba Lan và Trung Quốc. Nó được trang bị một động cơ xuyên tâm Shvetsov ASh-62 9 xi-lanh công suất 1.000 mã lực. Hàng chục biến thể của An-2 đã ra đời phục vụ cho mục đích dân sự, quân sự và khoa học.
Ý tưởng tái sử dụng An-2 thành UAV vũ trang như trường hợp mà TWZ đề cập ở trên không phải là điều mới mẻ. Trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020, Azerbaijan đã sử dụng chiếc máy bay hai tầng cánh này với một số cải tiến nhất định làm mồi nhử bán tự động.
Phi công sẽ đưa máy bay lên cao và khóa vào một lộ trình đã định trước khi nhảy dù thoát khỏi đó. Sau đó, máy bay sẽ bay theo lộ trình cho đến khi bị bắn hạ, hết nhiên liệu hoặc bị rơi.
Điều này sẽ gây rắc rối cho đối phương khi họ phải cố gắng xác định xem An-2 có phải là UAV cảm tử kamikaze thực sự hay không và đưa ra quyết định có nên sử dụng các nguồn lực phòng không có giá trị để cố gắng tiêu diệt chúng hay không.
Việc giao chiến với máy bay hai tầng cánh không người lái cũng sẽ làm lộ các vị trí phòng không và có thể là các thông tin có giá trị khác.
Ở Trung Quốc, một phiên bản của An-2 được chế tạo theo giấy phép là máy bay Y-5 gần đây cũng đã được chuyển đổi thành các nền tảng chở hàng không người lái, nhưng cũng có khả năng ứng dụng trong quân sự.
Minh Đức (Theo TWZ, Museum of Flight)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/su-tro-lai-dang-kinh-ngac-cua-may-bay-hai-tang-canh-an-2-a122470.html