Thái Nguyên: Dành mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới

(Chinhphu.vn) - Trong giai đoạn 2020-2025, Thái Nguyên đề ra mục tiêu có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn. Với nhiều nỗ lực, đến nay các mục tiêu này đã rất gần "tầm tay"…

Thái Nguyên: Dành mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Các trường học ở huyện Bắc Đồng Hỷ được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: VGP/Minh Anh

Là tỉnh có 51 thành phần dân tộc, trong đó 8 dân tộc thiểu số có số đông, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh, chủ yếu sinh sống ở miền núi, địa hình phức tạp, những năm qua, với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên phát triển sâu rộng, người dân tự giác thực hiện, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

Quyết tâm về đích xây dựng nông thôn mới

So với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Thái Nguyên là một trong những địa phương luôn đi đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Hiện nay mới là cuối năm 2024 nhưng mục tiêu có ít nhất 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn NTM của tỉnh đã hoàn thành, khi các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên cùng các huyện Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa đã "về đích" đúng hẹn.

Đến nay, toàn tỉnh có 118/126 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 93,7%. Như vậy, "đích đến" đã không còn xa so với chỉ tiêu được tỉnh đề ra.

Theo đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ước năm 2024, tỉnh có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn NTM. Năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 2 xã nữa đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 96,8%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Có thể thấy, Thái Nguyên đã rất quyết tâm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM khi đề ra những chỉ tiêu khá "nặng ký". Tuy nhiên, từ những kết quả đạt được, tỉnh hoàn toàn có thể tự tin trên chặng đường tương lai khi 2 xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm 2024 đã bước vào chặng cuối của "đường đua".

Đơn cử như xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), đầu tháng 10 đã đạt 17/19 tiêu chí NTM. Xã còn tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều là chưa đạt.

Đồng chí Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, cho hay: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, địa phương đã tổ chức triển khai điều tra thống kê thu nhập, rà soát tỷ lệ nghèo đa chiều và quyết tâm hoàn thành trong tháng 11 này. Chúng tôi tin tưởng, đợt rà soát này sẽ cho kết quả khả quan hơn.

Hay như đối với xã Phương Giao (Võ Nhai), đến hết tháng 9 cũng đã đạt 17/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt là về trường học và nghèo đa chiều. Hiện nay, huyện Võ Nhai đã hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định công nhận lại Trường Tiểu học Phương Giao đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1. Đồng thời tiến hành rà soát, phê duyệt tỷ lệ nghèo đa chiều, nên đến nay xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Ngoài ra, 12 xã đăng ký đạt NTM nâng cao cũng đã ở chặng "nước rút" và cơ bản hoàn thành các tiêu chí đúng hẹn. Trong đó, xã Vạn Thọ (Đại Từ) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã đã đạt 19/19 tiêu chí. 2 xã đăng ký đạt NTM kiểu mẫu là Hà Châu và Lương Phú (Phú Bình), dự kiến sẽ chạm "đích" vào cuối tháng 12 năm nay…

Dành mọi nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu

Thái Nguyên: Dành mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Thái Nguyên phát triển mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để làm ra những sản phẩm có giá trị. Ảnh: VGP/Minh Anh

Một trong những mục tiêu lớn của xây dựng nông thôn mới mà tỉnh Thái Nguyên hướng tới là củng cố, phát triển quan hệ sản xuất ở nông thôn bằng những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để làm ra những sản phẩm có giá trị, thương hiệu bán trên thị trường, giải quyết việc làm, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Những kết quả đạt được đã chứng minh Thái Nguyên luôn nhập cuộc trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM với tinh thần cao nhất. Những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở luôn được tỉnh quan tâm giải quyết, tháo gỡ kịp thời.

Với tinh thần hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra trong năm 2025 - năm "về đích" của nhiệm kỳ 2020-2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chương trình này.

Trong đó, nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên là tổ chức kiểm tra tiến độ, kết quả và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM tại những địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… năm 2024 để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó là khẩn trương thực hiện quy trình thẩm định các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM và đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2024 theo đề nghị của các địa phương.

Công nhận huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đạt chuẩn nông thôn mớiCông nhận huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đạt chuẩn nông thôn mới
 04/05/2024 15:08

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2024. 

Đồng thời, bảo đảm việc sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo đó, việc huy động nguồn lực từ người dân (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động), doanh nghiệp, tổ chức phải đảm bảo sự tham gia đóng góp trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các địa phương ưu tiên, lồng ghép, dành mọi nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện NTM, NTM nâng cao; xã NTM, xã NTM nâng cao và các xã đã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn trước để đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt là tích cực triển khai rà soát, xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo quy định đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu…

Thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của các địa phương, nhất là dược liệu, dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm để có giá trị gia tăng cao hơn, làm giàu cho người dân để cùng góp phần xây dựng NTM giàu đẹp hơn.

Minh Anh


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/thai-nguyen-danh-moi-nguon-luc-cho-xay-dung-nong-thon-moi-a122434.html