Câu chuyện thành công về giảm nghèo của Việt Nam qua lăng kính UNDP

(Chinhphu.vn) - Theo Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi, Việt Nam đã viết nên câu chuyện thành công về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Câu chuyện thành công về giảm nghèo của Việt Nam qua lăng kính UNDP- Ảnh 1.

Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Brazil vào tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tỉ lệ hộ nghèo tại Việt Nam đã giảm từ trên 58% vào đầu những năm 1990 xuống khoảng 1,9% năm 2024.

Theo Trưởng đại diện UNDP: "Đây là minh chứng cho thấy tính hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế lấy con người làm trung tâm".

Với nhận thức nghèo đói không chỉ giới hạn ở thu nhập, Việt Nam đã đi đầu trong ASEAN trong việc áp dụng các phương pháp đo nghèo đa chiều, bao gồm các yếu tố như tiếp cận chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh và nước sạch, bà Ramla Khalidi chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của UNDP, Việt Nam chính thức áp dụng phương pháp tiếp cận đa chiều (MDP) vào năm 2015, một bước chuyển đổi quan trọng trong cách tiếp cận của Việt Nam, từ mô hình dựa trên thu nhập sang mô hình dựa trên phương pháp tiếp cận đa chiều.

TIN LIÊN QUANThủ tướng Phạm Minh Chính: 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo toàn cầu*Nghị định số 78/NĐ-CP: Khẳng định nguồn lực trụ cột trong xóa đói nghèoNghị định số 78/NĐ-CP: Khẳng định nguồn lực trụ cột trong xóa đói nghèo

Theo nghiên cứu của UNDP và Sáng kiến Nghèo đói và Phát triển con người của Oxford, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã giảm 50% chỉ số nghèo đa chiều (MPI).

Theo bà Ramla Khalidi, ba biện pháp chính nhằm thúc đẩy giảm nghèo ở Việt Nam bao gồm: (i) Tăng việc làm có năng suất cao; (ii) cải thiện các dịch vụ xã hội, như y tế và giáo dục; (iii) mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống bảo trợ xã hội.

Mặc dù đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm nghèo đa chiều, Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt hai thách thức lớn, bao gồm, vẫn còn những khu vực thiếu thốn, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa và vùng núi, cũng như trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; một bộ phần các hộ gia đình vẫn dễ rơi vào cảnh nghèo đói.

Bà Ramla Khalidi cho rằng, bão Yagi là một ví dụ cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai có thể đẩy người dân trở lại cảnh nghèo, đặc biệt là những người cận nghèo và những người sống ở vùng núi, vùng sâu và vùng xa.

Cơn bão Yagi cũng cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với khí hậu cũng như việc cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội để ngăn chặn những nhóm dân cư dễ bị tổn thương rơi vào cảnh nghèo đói.

Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nỗ lực cứu trợ và phục hồi khẩn cấp thông qua việc phân bổ tiền hỗ trợ cho các nhóm mục tiêu, khôi phục và xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại và thông qua các biện pháp tài chính, chẳng hạn như cung cấp các khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Những biện pháp như vậy có thể giảm bớt gánh nặng tài chính ngay sau thảm họa thiên nhiên, Trưởng đại diện UNDP khuyến nghị.

Những nỗ lực này, song hành với việc đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng nhà ở kiên cố chống bão và thúc đẩy thực hiện các chương trình bảo trợ xã hội, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng sớm phục hồi và giảm tính dễ bị tổn thương của các hộ gia đình trước những cú sốc trong tương lai, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh./.

Thùy Dung 


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/cau-chuyen-thanh-cong-ve-giam-ngheo-cua-viet-nam-qua-lang-kinh-undp-a122408.html