Áp chỉ tiêu xét tuyển sớm dưới 20%: Nhiều trường than khó

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, vấn đề giới hạn các trường chỉ được xét tuyển sớm dưới 20% tổng chỉ tiêu căn cứ thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua.

Bộ GD&ĐT siết xét tuyển sớm để thuận lợi cho thí sinh?

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, có nhiều điểm mới trong đó có quy định về xét tuyển sớm, các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay. Quy định mới này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, dự thảo thông tư sửa đổi tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay.

Thứ nhất là việc cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.

Thứ hai, năm 2025 là năm đầu tiên các học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ xét tuyển đại học. Vì vậy, cần đổi mới quy chế tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu của những đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông.

Theo đó, những điểm mới cốt lõi gồm điều chỉnh quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với nhóm ngành sư phạm, sức khoẻ; chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh...

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay, việc đưa ra giới hạn 20% là căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.

Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Đặc biệt, việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng kí dự tuyển cũng không thay đổi, tại sao các trường phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm?

"Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (mới phổ biến từ khoảng 5-6 năm trở lại đây) một cách hết sức khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó", bà Thủy nói.

Áp chỉ tiêu xét tuyển sớm dưới 20%: Nhiều trường than khó- Ảnh 1.

Siết xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu, trường đại học kêu khó. Ảnh minh họa.

Nhiều trường đại học kêu khó

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Dân Trí, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, cho biết, nhà trường luôn tuân thủ đúng, đủ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh.

Bên cạnh đó, một lãnh đạo tại Học viện Tài chính cho rằng, quy định trên có điểm tích cực ở chỗ, nếu xét tuyển sớm quá (trước tháng 5) sẽ thiếu công bằng với thí sinh. Vậy nên, Bộ "siết" thời gian là phù hợp. Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo này, nếu áp quy định chỉ tiêu không vượt quá 20% sẽ làm khó nhiều trường đại học.

Trao đổi với Tiền Phong, Thạc sỹ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của trường Đại học Công Thương Tp.HCM nói: "Bộ GD&ĐT không nên bắt buộc áp cứng 20% chỉ tiêu với xét tuyển sớm mà chỉ nên khuyến khích các trường".

Các trường đại học bây giờ đã dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm bằng học bạ THPT, bằng điểm đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo đề án của trường. Bây giờ bắt buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm là 20% thì cực kỳ khó cho các trường.

Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm. Các phương thức xét tuyển sớm chủ yếu là: xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, xét chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS...) hoặc kết hợp giữa các yếu tố trên. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%), Theo VTC News.

Trúc Chi (t/h)

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/ap-chi-tieu-xet-tuyen-som-duoi-20-nhieu-truong-than-kho-a122320.html