Ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt
Hằng năm, ngày 20/11 là dịp đặc biệt để cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người thầy, người cô đã không ngừng cống hiến cho sự nghiệp "trồng người". Đây không chỉ là ngày hội của ngành giáo dục, mà còn là ngày để học sinh, phụ huynh và toàn xã hội thể hiện sự kính trọng đối với những người đã góp phần xây dựng nền móng tri thức cho bao thế hệ.
Trong không khí ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tưng bừng khắp cả nước, PV Người Đưa Tin vinh dự được gặp gỡ, trò chuyện với Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Mạc Thị Thanh Bình - một cán bộ mẫu mực hoạt động trong lĩnh vực giáo dục hơn 30 năm qua.
Nhà giáo ưu tú Mạc Thị Thanh Bình được biết đến là người có hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục với nhiều cống hiến cho địa phương, lúc đó là huyện Bình Long, một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sông Bé (cũ, từ năm 1997 là huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Cống hiến cho ngành giáo dục cho đến năm 2020, cô Bình được điều động về làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Chơn Thành cho đến nay.
Cô Bình cũng là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số một cách toàn diện để nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống, là người “truyền lửa” cho chị em phụ nữ khi thực hiện Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp.
“Tôi cảm thấy rất tự hào khi bản thân đã chọn đúng nghề, đó là làm giáo dục, cái nghề đã gắn bó suốt cuộc đời tôi”. Đây là câu nói đầu tiên đầy niềm tự hào của cô Thanh Bình khi trò chuyện cùng phóng viên.
Chia sẻ về những năm dài gắn bó trong nghề, cô cho biết: “Nghề giáo tuy vất vả nhưng với tâm huyết và trách nhiệm của mình thì sẽ tìm được niềm vui, tìm được hạnh phúc qua từng trang giáo án. Và học sinh của mình tiến bộ qua từng ngày khiến bản thân người làm giáo viên sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, như thu được trái ngọt sau quá trình chăm nom, tưới mát các bóng cây”.
Nhân dịp 20/11, NGƯT Thanh Bình cũng gửi lời chúc đến với tất cả các thầy cô giáo Việt Nam một ngày lễ ý nghĩa, ngày trọng đại trong nghề.
Cô Bình cho rằng, mọi giáo viên tốt, giáo viên giỏi, gương mẫu không chỉ là tấm gương sáng trong giáo dục mà còn là hiện thân của ý chí, lòng nhân ái và sự cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp trồng người, dẫn dắt những thế hệ tương lai của đất nước.
Mặc dù đã không còn trực tiếp giảng dạy trên bục giảng, nhưng ngọn lửa yêu nghề trong cô Thanh Bình vẫn cháy mãi. Với kinh nghiệm quý báu tích lũy qua nhiều năm quản lý giáo dục, cô tiếp tục đóng góp không ngừng vào sự nghiệp trồng người qua các hoạt động ý nghĩa.
Niềm tin vào một xã hội bình đẳng giới
Đứng trước những bước tiến vượt bậc của phụ nữ trong thời đại mới, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, nơi giáo viên nữ chiếm phần lớn, cô Thanh Bình chia sẻ: “Ngành giáo dục rất áp lực, áp lực về chuyện trường lớp, áp lực gia đình, áp lực chuyện học thêm dạy thêm, áp lực chuyện con cái, áp lực với phụ huynh học sinh,...
Đặc biệt ở những cô giáo, họ phải mang thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm con trong gia đình nhưng cũng phải làm tròn trách nhiệm làm người mẹ thứ hai cho các em học sinh. Các cô cũng cần phải sắp xếp thời gian, giữa công việc và gia đình. Và quan trọng nhất, trong thời kỳ chuyển đổi số, đòi hỏi mỗi người nhà giáo phải tự học hỏi rất nhiều...
Xã hội ngày nay cần có cái nhìn công bằng, khách quan hơn về năng lực của người phụ nữ. Họ không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là những người tiên phong đóng góp vào sự phát triển của đất nước", cô Bình khẳng định.
Cô thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, đảm bảo an toàn cho trẻ tại trường học và gia đình. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em – những đối tượng cần được quan tâm đặc biệt trong xã hội.
Bên cạnh đó, cô tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình học bổng, quà tặng và thẻ bảo hiểm y tế. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do cô khởi xướng đã mang lại hy vọng cho nhiều trẻ em mồ côi, giúp các em được chăm sóc và tiếp tục con đường học vấn.
Trao đổi với PV, cô Hoàng Thị Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chơn Thành A, cho biết: "Trong suốt quá trình công tác tại trường, cô Bình luôn là nữ giáo viên công tâm, nhiệt huyết, tận tuỵ với nghề, với học sinh và phụ huynh học sinh. Cô luôn tiên phong đi đầu trong công tác giảng dạy, phong trào vì người yếu thế, trẻ em và phụ nữ, là tấm gương nhà giáo mẫu mực. Các thế hệ học sinh đều dành cho Nhà giáo ưu tú Mạc Thị Thanh Bình một tình cảm sâu sắc, Anh chị em đồng nghiệp cũng rất ngưỡng mộ và khâm phục đối với cô giáo Bình".
Hy vọng rằng, với những người tận tâm như cô Thanh Bình, sự nghiệp giáo dục và các phong trào xã hội sẽ ngày càng phát triển, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ và tràn đầy yêu thương.
Nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, cô Mạc Thị Thanh Bình được ghi nhận qua bảng thành tích được xếp vào hàng ngũ “kỷ lục gia”.
Năm 2013, cô Bình được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua Toàn quốc.
Năm 2014, cô vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2012 và Huân chương Lao động hạng III.
Cô Thanh Bình có 11 năm trực tiếp giảng dạy, năm 1999 cô đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia và có 7 năm đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Cô Bình còn là “cây sáng kiến” với 21 sáng kiến được công nhận ở cấp Huyện và cấp Tỉnh; 15 năm liền được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Cơ sở; 4 lần được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh và 1 lần được công nhận Chiến sĩ thi đua Toàn quốc.
Cô Bình đã nhận 35 Bằng khen (24 Bằng khen của Tỉnh ủy và UBND Tỉnh; 7 Bằng khen của Bộ GD&ĐT, 1 Bằng khen của Tổng Liên đoàn LĐVN; 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ).
Đặc biệt, 20 năm liên tục cô được bình bầu là Đảng viên xuất sắc; giải Nhất cấp huyện, giải Nhì cấp Tỉnh Hội thi “Báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh” và được Ban Chấp hành Trung ương – Ban Tư tưởng Văn hóa cấp Giấy chứng nhận Báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh (2004).
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nguoi-phu-nu-truyen-lua-dam-me-cho-giao-duc-trong-thoi-dai-moi-a121794.html