Lý do tài xế Grab tìm đường trong ngõ ngách siêu hơn cả Google Maps: "Chúng tôi cứ như đi phiêu lưu vậy"

Tài xế Grab lách qua những con hẻm quanh co và hẹp, đôi khi chỉ rộng một mét, vừa đủ cho một xe máy đi qua.

Lý do tài xế Grab tìm đường trong ngõ ngách siêu hơn cả Google Maps: "Chúng tôi cứ như đi phiêu lưu vậy"- Ảnh 1.

Những người đi vẽ bản đồ

Những con hẻm ở Nam Jakarta quanh co và hẹp, đôi khi chỉ rộng một mét, vừa đủ cho một xe máy đi qua. Người giao hàng phải chen chúc qua những giá phơi quần áo, trông chừng trẻ em, vừa lẩn mẩn tìm số nhà để đảm bảo giao hàng đúng giờ.

Trên khắp Đông Nam Á, các tài xế Grab đi qua những con hẻm và phố xá kiểu như vậy hàng ngày. Việc tìm kiếm một địa điểm không được ghi lại trên bản đồ đúng cách có thể gây ra sự chậm trễ, làm khách hàng khó chịu và dẫn đến hủy cuốc.

Lý do tài xế Grab tìm đường trong ngõ ngách siêu hơn cả Google Maps: "Chúng tôi cứ như đi phiêu lưu vậy"- Ảnh 2.

Có rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào độ chính xác của bản đồ Grab, công ty đã xây dựng bản đồ này với sự đóng góp của các tài xế và thương nhân tại tám quốc gia trong khu vực.

"Đường phố ở đây rất phức tạp và khó đoán", Harsiniawati, tài xế giao hàng của Grab tại Jakarta, chia sẻ với Rest of World. "Đôi khi chúng chẳng hề có trên bản đồ". Harsiniawati thường lập bản đồ đường phố cho Grab bằng một chiếc camera gắn trên xe máy của cô.

Giống như hầu hết các công ty khác, Grab ban đầu dựa vào các nền tảng dẫn đường của bên thứ ba như Google Maps và Here. Nhưng khi mở rộng quy mô, công ty nhận được nhiều phàn nàn từ những tài xế gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm, Sriram Iyer, giám đốc sản phẩm tại Grab cho biết.

"Chúng tôi yêu cầu những cập nhật đơn giản, chẳng hạn như thay đổi vị trí của địa điểm vì người bán đã chuyển đi, nhưng ngay cả những điều đó cũng mất hàng tháng để sửa", ông nói.

Grab nhận ra các thành phố và thị trấn luôn có sự biến đổi nhanh chóng, "các nhà cung cấp hiện tại sẽ không giải quyết được vấn đề đó cho chúng tôi", Iyer nói.

Grab đã nhờ đến 5 triệu tài xế của mình giúp lập bản đồ các con phố và ngõ hẻm mà họ đi qua mỗi ngày bằng xe đạp, ô tô và đi bộ. Tài xế được trả thêm tiền để lập bản đồ và bản đồ này có kết quả chính xác hơn Google Maps hoặc Here, ghi lại tên địa danh thông tục và các địa danh mang tính chất siêu bản địa, Iyer cho biết.

GrabMaps bắt đầu trở thành công cụ sử dụng nội bộ vào năm 2017 và là công cụ điều hướng chính của ứng dụng vào năm 2022. Ngày nay, dữ liệu của GrabMaps bao gồm hơn 65 triệu địa chỉ và điểm đến, tọa độ địa lý của nhà hàng, hiệu thuốc, trường học, trạm xăng, máy ATM, điểm tham quan du lịch, v.v. Iyer cho biết Grab đã vạch ra khoảng 80% điểm đến cần thiết.

Lý do tài xế Grab tìm đường trong ngõ ngách siêu hơn cả Google Maps: "Chúng tôi cứ như đi phiêu lưu vậy"- Ảnh 3.

Ban đầu, tài xế sử dụng camera có sẵn để ghi hình. Nhưng sau khi thử nghiệm với nhiều loại khác nhau, bao gồm cả GoPro, Grab đã quyết định tự chế tạo thiết bị để cải thiện chất lượng hình ảnh.

Điều này cho phép công ty kiểm soát hoàn toàn dữ liệu để giải quyết các vấn đề trong toàn bộ hệ thống của mình.

Theo Grab, dữ liệu từ tài xế, người tiêu dùng và thương nhân tại hơn 500 thành phố ở Đông Nam Á đã giúp bổ sung hơn 800.000 km đường còn thiếu vào OpenStreetMap, nền tảng lập bản đồ nguồn mở.

Tài xế Grab đóng góp khoảng nửa triệu dữ liệu đầu vào bản đồ mỗi quý và dữ liệu được làm mới mỗi ngày, theo thời gian thực về việc cấm đường, thay đổi địa chỉ và các cập nhật khác. Độ chính xác của bản đồ giúp tài xế giảm thời gian di chuyển khoảng 90 giây, cho phép họ tiếp nhận nhiều đơn hàng hơn.

Trọng tâm siêu bản địa của Grab giúp hệ thống khác biệt với Google Maps và Here vốn tập trung nhiều hơn vào ô tô, Mohit Sharma, nhà phân tích nghiên cứu tại Counterpoint, nói với Rest of World.

"Google và Here chỉ xem xét các tuyến đường chính hoặc khu phố, chứ không phải các tuyến phố nhỏ nhất", ông nói. "Đông Nam Á không phải là thị trường lớn nhất đối với họ… Trọng tâm chính là các thị trường lớn như Mỹ hoặc Châu Âu".

Lý do tài xế Grab tìm đường trong ngõ ngách siêu hơn cả Google Maps: "Chúng tôi cứ như đi phiêu lưu vậy"- Ảnh 4.

Như chuyến phiêu lưu

Grab không phải là công ty duy nhất xây dựng bản đồ riêng của mình. Tại Trung Quốc, Amap của Alibaba và Baidu Maps được sử dụng rộng rãi — khách hàng của Baidu bao gồm Tesla và Huawei. Nền tảng gọi xe Ấn Độ Ola gần đây đã từ bỏ Google Maps để sử dụng Ola Maps của riêng mình, cũng dựa trên nền tảng OpenStreetMap.

"Mọi người muốn thứ gì đó mang tính địa phương hơn, cụ thể hơn, với mức giá rẻ hơn", Iyer nói.

Trọng tâm của GrabMaps là KartaCam, một camera do Grab thiết kế và chế tạo để lập bản đồ. Phiên bản mới, ra mắt vào năm 2024, có thể gắn trên xe máy của người lái, nghĩa là không cần xe chuyên dụng để lập bản đồ. Nó có thể tạo ra hình ảnh chi tiết ghi lại các vạch kẻ đường, số nhà, tên cửa hàng và thậm chí cả giờ mở cửa của họ.

Grab gần đây đã ra mắt KartaDashcam dành cho ô tô, một camera phía trước có thể gắn vào gương chiếu hậu của phương tiện để ghi lại tình trạng đường phố theo thời gian thực. Iyer cho biết hiện có khoảng 500 KartaCam đang được sử dụng, với kế hoạch triển khai thêm "hàng chục nghìn" camera nữa.

Tại Jakarta, Ahmad Fauzi là một trong số hơn một chục tài xế Grab được đào tạo để lập bản đồ với KartaCam. Anh thích làm như vậy hơn là giao đồ ăn nên dành phần lớn thời gian trong ngày để lập bản đồ trước khi nhận đơn hàng trong vài giờ.

"Giống như đi phiêu lưu vậy," Fauzi nói. "Tôi rất vui khi cải thiện bản đồ cho những tài xế khác."

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/ly-do-tai-xe-grab-tim-duong-trong-ngo-ngach-sieu-hon-ca-google-maps-chung-toi-cu-nhu-di-phieu-luu-vay-a121449.html