Khơi thông những "điểm nghẽn" cho sử dụng nước sạch nông thôn

(Chinhphu.vn) - Hôm nay (15/11), Bộ NN&PTNT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn.

Khơi thông những "điểm nghẽn" cho sử dụng nước sạch nông thôn- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cả nước có trên 18 nghìn công trình cấp nước tập trung nông thôn

Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, tính đến cuối năm 2023, trên toàn quốc có 74% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn (55% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19% số hộ sử dụng nước từ cấp nước hộ gia đình).

Trong 7 vùng, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất 91,9% so với các vùng khác trên phạm vi toàn quốc. Khu vực Tây Nguyên có số hộ gia đìnhng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất 39,5%.

Vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất trên toàn quốc và đây cũng là những vùng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất so với các vùng khác và so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.

Mặc dù có 74% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, nhưng tại một số tỉnh vẫn còn tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung rất thấp trên cả nước như: Hà Giang 7,7%, Gia Lai 7,7%, Yên Bái 11,4%, Cao Bằng 12,6%, Lâm Đồng 12,8%, Điện Biên 13,5%.

Giai đoạn 2020-2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện cho cấp nước sạch nông thôn trên 13 nghìn tỷ đồng. Hiện, cả nước có trên 18 nghìn công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho trên 9,3 triệu hộ gia đình nông thôn. Trong đó, đơn vị sự nghiệp quản lý khai thác 1.788 công trình (chiếm 9,9%); doanh nghiệp và tư nhân quản lý khai thác 2.900 công tình (chiếm 16,0%); UBND xã quản lý khai thác 31,5% công trình; cộng đồng quản lý 41,1% công trình và hợp tác xã quản lý 1,6% công trình.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cấp nước sạch nông thôn vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn chỉnh, chưa có Luật về cấp nước, các quy định hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn chưa cao.

Để đạt 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2030 cần nguồn lực đầu tư rất lớn, tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi chỉ huy động được ở khu vực đồng bằng, tập trung đông dân cư thiếu giải pháp thỏa đáng để thúc đẩy nguồn lực này cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình nước sạch tập trung khu vực nông thôn đa dạng nhưng chưa có quy định cụ thể, thống nhất về mô hình và năng lực đơn vị quản lý khai thác, giá nước thấp, thu không đủ bù chi, thiếu kinh phí hỗ trợ theo quy định... dẫn tới tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động còn cao, chất lượng dịch vụ thấp.

Nguồn nước ngọt đang ngày càng suy thoái cả về số lượng và chất lượng, biến đổi khí hậu làm gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão, ngập lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn... ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng làm cho nguồn nước cấp cho sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu, nhiều công trình cấp nước phải hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động do thiếu hụt nguồn nước ngọt ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn, bền vững cho người dân nông thôn.

Khơi thông những "điểm nghẽn" cho sử dụng nước sạch nông thôn- Ảnh 2.

Cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý khai thác và cung ứng dịch vụ cấp nước sạch nông thôn

Cần có những giải pháp công trình và phi công trình

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng, để đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân ở nông thôn cần phải có những giải pháp phi công trình và giải pháp công trình, cụ thể như: Theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; nắm chắc thông tin về nguồn nước trên từng địa bàn để xây dựng kịch bản và có phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho phù hợp.

Chỉ đạo vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi hiệu quả để lấy nước, chủ động trữ nước. Chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước; Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt; Tập trung đầu tư hạ tầng nước sạch nông thôn.

Đại diện Sở NN&PTNT Lào Cai đề xuất, cần sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý, vận hành công trình cấp nước để làm cơ sở xác định chi phí quản lý, khai thác, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, làm cơ sở triển khai xây dựng phương án giá nước theo quy định.

Xây dựng chính sách và bố trí nguồn lực để thu hút đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, bố trí ngân sách Trung ương cấp bù hoặc hỗ trợ giá tiền nước cho đối tượng sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung nông thôn khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng biên giới hoặc vùng đặc biệt khó khăn, khan hiếm nguồn nước ở các tỉnh miền núi.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho rằng, cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý khai thác và cung ứng dịch vụ cấp nước sạch nông thôn. Hiện, tỉnh có 66 công trình cấp nước tập trung, trong đó, đã ứng dụng công nghệ lắng lamella, lọc trọng lực, rửa lọc tự động và công nghệ biến tần tại các trạm bơm cấp 2 để điều tiết áp lực nước cung cấp mạng lưới đường ống đảm bảo ổn định. Ngoài ra, đơn vị đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 đối với lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt nông thôn từ năm 2006 và hiện nay đang áp dụng phiên bản ISO 9001-2015 được Quacert chứng nhận.

Lắp đặt camera tại tất cả các công trình cấp nước nhằm theo dõi vận hành, giám sát toàn bộ hoạt động các hạng mục công trình cấp nước linh hoạt và hiệu quả; thực hiện công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; an toàn quản lý, sử dụng thiết bị điện, hóa chất thường xuyên liên tục 24/24 giờ trong ngày.

Tổ Công nghệ thông tin Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận đã tự thiết kế Website và các Chương trình ứng dụng hoạt động trên mạng internet như: Website Văn phòng trực tuyến trong việc xử lý văn bản, hồ sơ bằng file điện tử, báo cáo tình hình hoạt động hàng ngày của các công trình cấp nước, Webite thư viện điện tử; Bộ chỉ số đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường; triển khai nâng cấp và ứng dụng có hiệu quả Chương trình GIS trong công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước.

Đồng thời, áp dụng thành công Chương trình ghi chỉ số bằng smartphone, hóa đơn điện tử, triển khai ghi thu đồng thời; chương trình thông báo tiền nước, tạm ngưng cấp nước cho khách hàng qua ứng dụng Zalo official; tiếp tục mở rộng hình thức thanh toán tiền nước,…không dùng tiền mặt thông qua các app ngân hàng và ví điện tử và công tác báo cáo sự cố cấp nước duy trì 2 lần/ngày thông qua ứng dụng zalo để Ban Giám đốc có thể nắm bắt và trực tiếp chỉ đạo.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Hoàn thiện pháp luật về cấp nước sạch, thoát nước mưa chống ngập và xử lý nước thảiHoàn thiện pháp luật về cấp nước sạch, thoát nước mưa chống ngập và xử lý nước thải
Tham khảo thêm
Xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau bão lũXử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau bão lũ

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/khoi-thong-nhung-diem-nghen-cho-su-dung-nuoc-sach-nong-thon-a121402.html