Chuỗi sự kiện diễn ra từ 7-9/11 là dịp để ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc phát triển và quản lý các KDTSQ thế giới và là cơ hội để nhìn lại, đánh giá vai trò quan trọng của các KDTSQ trong việc góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững và ý nghĩa của KDTSQ trong bức tranh bảo tồn môi trường toàn cầu.
Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế về Khu Dự trữ sinh quyển ngày 8/11, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Nguyễn Văn Tài, thay mặt Bộ TN&MT, kêu gọi các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu dự trữ sinh quyển và các bên có liên quan phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các Khu dự trữ sinh quyển đối với sự sống của con người và thiên nhiên.
Nhắn gửi thông điệp của Tổ chức UNESCO tại Lễ Mít tinh, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: "Các khu dự trữ sinh quyển đóng vai trò then chốt trong cùng giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu, cũng như hỗ trợ thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Các khu dự trữ sinh quyển chính là những phòng thí nghiệm học tập cho các mô hình phát triển bền vững địa phương, là những khu vực thí điểm cho sự hợp tác, triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xanh".
Chuỗi hoạt động còn có Hội thảo quốc gia về quản lý, bảo tồn các KDTSQ thế giới. Các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn KDTSQ đã chia sẻ về các định hướng phát triển bền vững cho các KDTSQ trên thế giới, chia sẻ bài học kinh nghiệm thế giới cho Việt Nam, cập nhật các chính sách pháp luật của Việt Nam về quản lý KDTSQ và kế hoạch phát triển mạng lưới trong tương lai.
Được tổ chức thường niên từ năm 2013, một sự kiện đáng chú ý tại chuỗi sự kiện là Hội thảo tổng kết Mạng lưới các KDTSQTG của Việt Nam 2024. GS. TS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) chia sẻ: "Ngay từ những ngày đầu tiên với mục đích xây dựng cơ sở khoa học cho sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên, hoạt động của các KDTSQTG của Việt Nam chính là phép thử chứng minh sự hài hoà đó. Cho đến nay, mạng lưới các KDTSQTG của Việt Nam đã phát triển cùng với xu hướng chung của thế giới đó là mỗi KDTSQTG đều là một mô hình địa phương cho phát triển bền vững, ở cả quy mô quốc gia và quốc tế".
Cùng ngày, diễn ra Tọa đàm "Phát triển sinh kế cộng đồng tại vùng đệm các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam" nhằm kết nối và chia sẻ kiến thức xây dựng, phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương cho các KDTSQ từ kinh nghiệm thực hiện các Dự án tài trợ nhỏ trong khuôn khổ dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên quốc gia của Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chia sẻ: "Các Dự án tài trợ nhỏ đã phát huy, kế thừa rất tốt các kinh nghiệm, cách làm, xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ thôn bản, xã, huyện, cùng với cộng đồng phát triển nhân rộng được các mô hình sinh kế gắn kết với nguồn lực địa phương, tạo các quỹ xoay vòng tại nhiều xã. Cộng đồng các thôn bản đã nhận thức rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng, góp phần bảo tồn văn hoá".
Với sự hỗ trợ của GEF, Dự án đã góp phần quản lý hiệu quả hơn 1,8 triệu ha diện tích rừng và biển tại các KDTSQ Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An và Đồng Nai. Dự án đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 3.100 hộ gia đình, mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 14.700 cá nhân thông qua hoạt động tăng cường năng lực và tập huấn các thực hành bảo tồn và phát triển sinh kế bền vững cho cả cán bộ chính quyền địa phương và thành viên cộng đồng. Với việc phụ nữ chiếm 42% số người thụ hưởng, đã củng cố cam kết của Dự án về phát triển bao trùm và cân bằng giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, đóng góp của KDTSQ đối với môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội, việc quản lý các KDTSQTG tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức cần giải quyết. Các khó khăn này bao gồm các bất cập vẫn tồn tại trong điều phối liên ngành; nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực còn hạn chế cho các KDTSQ; việc tăng cường sự tham gia và gắn kết cộng đồng, chia sẻ lợi ích trong quản lý tài nguyên thiên nhiên còn chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả, tại một số khu vực, người dân vẫn thiếu thông tin và chưa nắm rõ và phát huy vai trò của mình trong bảo tồn và phát triển sinh kế.
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT, với vai trò là đầu mối quốc gia, sẽ tiếp tục dẫn dắt trong việc trao đổi, thảo luận với các bên liên quan tại trung ương và địa phương, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để huy động nguồn lực, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chính sách về phát triển và quản lý bền vững các KDTSQ thế giới tại Việt Nam để góp phần vào đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và tầm nhìn chung sống hài hoà giữa thiên nhiên và con người trong các thập kỷ tiếp theo.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đây là một mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương.
Kể từ năm 2000 khi KDTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ là KDTSQ thế giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam, hiện có 11 KDTSQ thế giới được công nhận trên toàn quốc. Các KDTSQ đang đóng giữ vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người dân và ngôi nhà của các hệ động thực vật bản địa phong phú, các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Thu Cúc
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/phat-trien-ben-vung-cac-khu-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-tai-viet-nam-a120756.html