Theo đó, lực lượng tìm kiếm đã tiến hành phân tích lịch sử thuê bao, dự đoán đường đi, khoanh vùng những trạm phát sóng gần khu vực đáp của hai phi công. Tuy nhiên, vị trí đáp của cả hai nằm sâu trong cánh rừng nguyên sinh, địa hình khuất, nhiều thung lũng khiến công cuộc xác định vị trí gặp thách thức. Lúc này, phương án điều chỉnh anten, tăng công suất các trạm phát sóng được tính đến.
Kích sóng "xuyên qua" địa hình phức tạp để cứu người
Một mặt, đội ngũ kỹ thuật dùng công nghệ điều khiển từ xa để thay đổi, mặt khác, một đội nhân viên tuyến huyện của Viettel Bình Định được cử đi điều chỉnh trực tiếp phần cứng trên anten ở các trạm chỉ định. Sau khi điều chỉnh, nhóm tìm kiếm tiếp tục đẩy, tăng công suất phát sóng tối đa của các trạm, sử dụng băng tần thấp để tăng cường phủ sóng.
Công suất phát của anten được tăng lên gấp 4 lần, hiệu chỉnh góc của anten phát để mở rộng vùng phủ của trạm lên gấp 5-7 lần, từ bán kính 1,5-2 km tăng lên thành 7-8 km, đồng thời phủ sóng 4G phủ lên vùng đồi núi cao xung quanh.
Qua phân tích, nhóm tìm kiếm của Viettel xác định hai phi công đáp xuống 2 hướng khác nhau, nên phải liên tục điều chỉnh để tìm ra trạm phát sóng có tín hiệu. Sau 15-20 phút, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, một trong hai phi công-đã liên lạc được về đơn vị bằng điện thoại di động (khoảng 16h30 ngày 6/11).
Trong khi đó, việc tìm ra vị trí của Đại tá Nguyễn Văn Sơn lại khó khăn hơn bởi nơi đáp xuống của phi công này nằm khuất sâu, sóng khó đến do vướng nhiều cây cối, núi đá cản trở. Đội ngũ kỹ thuật sau nhiều lần điều hướng, vùng phủ sóng, đồng thời liên tục gọi vào điện thoại của đại tá Sơn, đến 18h45 ngày 6/11, đã nhận được tín hiệu trả lời. Từ những cuộc gọi này, lực lượng kỹ thuật của Viettel tiếp tục hướng dẫn hai phi công dùng sóng data 4G gửi tọa độ về cho đơn vị. Ngoài hiện trường, nhóm ứng cứu mau chóng lên phương án tổ chức tiếp cận cứu hộ.
Giải cứu kịp thời nhờ thông thạo địa hình
Chủ tịch Tập đoàn Viettel-Thiếu tướng Tào Đức Thắng đã gọi điện cho anh Nguyễn Quang Ẩn (nhân viên thuộc chi nhánh Viettel Bình Định, trực tiếp tham gia cùng đoàn tìm kiếm ngay khi nhận lệnh, là nhân viên kỹ thuật tại cụm Tây Sơn-Vĩnh Thạnh, chuyên lắp đặt các trạm phát sóng ở trong khu vực núi cao nên thông thuộc địa hình), giao nhiệm vụ theo tọa độ đã được xác định để giải cứu người mắc nạn sớm nhất có thể. Hiểu rõ trách nhiệm được giao, nam nhân viên Viettel quyết tâm, sẵn sàng lên đường, tiến sâu vào khu vực rừng núi.
Ở vai trò hoa tiêu, di chuyển được 20-30 m, anh Ẩn lại kiểm tra tọa độ một lần để đảm bảo cả đoàn đang đi đúng hướng, do trong đêm tối, đường rừng vốn đã rậm rạp, khó đi, thời tiết mưa to, gió lớn, núi đá trơn trượt.
Khoảng 20h ngày 6/11, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân được tìm thấy tại ngọn núi thuộc khu vực Hầm Hô, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách khu vực nhảy dù khoảng 10 km.
Chia sẻ thêm về quá trình cứu hộ, anh Ẩn cho hay sau khi tìm thấy Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, cả đội đã thấm mệt, điện thoại mang theo hầu hết đã cạn pin, đội tính đến phương án sẽ để đội khác vào ứng cứu Đại tá Nguyễn Văn Sơn. Nhưng khi kiểm tra tọa độ, phát hiện Đại tá Nguyễn Văn Sơn ở cách đó không xa, khoảng 600 m, cả đội quyết tâm giải cứu phi công còn lại. Một nhóm được chia ra đưa phi công Nguyễn Hồng Quân ra khỏi rừng, một nhóm tiếp tục tìm kiếm.
Dù trên bản đồ, nơi Đại tá Nguyễn Văn Sơn trú ẩn đã ở rất gần, nhưng trên thực tế, nhóm ứng cứu phải mất thêm 2 tiếng mới tiếp cận. Mọi công sức được đền đáp khi khoảng 22h20 cùng ngày, lực lượng cứu hộ tìm thấy Đại tá Nguyễn Văn Sơn.
Việc lực lượng kỹ thuật thông thuộc đặc điểm địa hình, thiết kế trạm ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng đóng vai trò quan trọng, mang yếu tố quyết định. Trong đó, việc thiết kế các trạm di động được tính toán sao cho ngoài đảm bảo sóng 4G cho dân cư, còn đảm bảo độ phủ rộng nhất phục vụ cho các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh và các tình huống cứu hộ, cứu nạn.
Thiếu tướng Vũ Hồng Sơn, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-không quân gửi lời cảm ơn trân trọng đến Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và các đơn vị khác đã cùng phối hợp, nỗ lực để đưa 2 phi công trở về an toàn trong thời gian sớm nhất.
Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá cao công tác giải cứu lần này. Bằng nhiều biện pháp kỹ thuật, các đơn vị đã tính toán từng chi tiết, tìm ra vị trí của 2 phi công để triển khai lực lượng tìm kiếm một cách hợp lý nhất. Mưa to, gió lớn, sông suối chảy xiết, rừng sâu, dốc núi cao nhưng các lực lượng đã nhanh chóng đưa 2 phi công về trong điều kiện thời tiết rất phức tạp.
PD
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/10-tieng-chay-dua-voi-thoi-gian-tim-kiem-2-phi-cong-o-binh-dinh-a120749.html