Hệ thống hóa văn bản QPPL giúp phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sản xuất kinh doanh

(Chinhphu.vn) - Ngày 05/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023. Nhân dịp này, Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số cơ quan về công tác này.

Hệ thống hóa văn bản QPPL giúp phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sản xuất kinh doanh- Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) - Ảnh: VGP/LS

Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng): Phát hiện văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, giúp các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc tìm hiểu áp dụng và thi hành pháp luật. Đồng thời, phát hiện xử lý văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp thực tiễn gây khó khăn, vướng mắc, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của nhà nước.

Đối với Bộ Quốc phòng, Hoạt động quản lý nhà nước về quốc phòng có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; bộ máy giúp Bộ quản lý nhà nước về quốc phòng được tổ chức trên phạm vi cả nước (cấp Bộ), phạm vi vùng lãnh thổ (cấp quân khu..) và theo phạm vi tỉnh, huyện.

Xuất phát từ chính nội tại tổ chức, hoạt động của Bộ Quốc phòng nên hoạt động hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật càng có vai trò ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng do khối lượng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quốc phòng là rất lớn. Chính vì vậy, công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm.

Ngày 20/01/2024, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 436/QĐ-BQP công bố hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng trong kỳ 2019-2023, theo đó, tính đến thời điểm 31/12/2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Quốc phòng bao gồm: 690 văn bản còn hiệu lực; 499 văn bản hết hiệu lực toàn bộ; 61 văn bản hết hiệu lực một phần; 74 văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành mới.

Thông qua hoạt động hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Quốc phòng đã đạt được mục tiêu kép, có ý nghĩa rất lớn và quan trọng về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về quân sự, quốc phòng.

Thứ nhất, việc thực hiện hệ thống hóa văn bản cũng là thời điểm triển khai rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các lĩnh vực khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các lĩnh vực khác có liên quan đến quốc phòng, biên biên giới quốc gia…đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.

Thứ hai, công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về quân sự, quốc phòng. Hệ thống hóa văn bản đã giúp cho các cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được tiếp xúc với văn bản một cách đầy đủ, hệ thống; giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý cơ quan, đơn vị bảo đảm đúng quy định của pháp luật trong bối cảnh máy tính phục vụ quân sự, quốc phòng, cơ yếu không được kết nối mạng internet.

Hệ thống hóa văn bản QPPL giúp phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sản xuất kinh doanh- Ảnh 2.

Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Ảnh VGP/LS

Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh: 5 bài học kinh nghiệm trong triển khai hệ thống hóa văn bản QPPL.

Để nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch, bố trí các điều kiện bảo đảm, triển khai rà soát, hệ thống hóa văn bản, công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023 thuộc trách nhiệm của địa phương mình cơ bản theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023, Sở Tư pháp TPHCM cũng gặp phải một số khó khăn, cụ thể như với số lượng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn Thành phố thuộc đối tượng hệ thống hóa trong kỳ 2019-2023 là rất lớn (2635 văn bản), nên dẫn đến việc rà soát, hệ thống hóa gặp không ít khó khăn về thời gian hoàn thành và chất lượng thực hiện công tác hệ thống hóa vì số lượng văn bản nhiều.

Một số sở, ban, ngành của Thành phố và UBND cấp huyện xác định hiệu lực của văn bản còn chưa chính xác, kết quả rà soát còn sơ sài, số liệu không đầy đủ; việc gửi báo cáo về Sở Tư pháp của một vài cơ quan còn chậm, muộn.

Sở Tư pháp phải bố trí người thực hiện kiểm tra, rà soát lại kết quả rà soát của một số sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

Qua kết quả thực hiện công tác hệ thống hóa kỳ 2019-2023 trên địa bàn Thành phố, Sở Tư pháp TPHCM cũng rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong công tác này như:

Một là, việc triển khai công tác hệ thống hóa kỳ 2019-2023 được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện hệ thống hóa, các địa phương đã chuẩn bị kịp thời nguồn lực, bố trí kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác để triển khai công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023.

Hai là, việc triển khai công tác hệ thống hóa kỳ 2019-2023 được Bộ Tư pháp chủ động chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện một cách khoa học. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã có triển khai cho các địa phương thực hiện từ rất sớm (Bộ Tư pháp đã có văn bản số 2293/BTP-KTrVB ngày 04/7/2022 về việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023, Công văn số 4305/BTP-KTrVB về việc Tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch và thực hiện hệ thống hóa kỳ 2019-2023).

Ba là, việc thực hiện công tác hệ thống hóa kỳ 2019-2023 được sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Tại địa phương, để thực hiện tốt công tác hệ thống hóa kỳ 2019-2023, UBND Thành phố và UBND cấp huyện đã kịp thời ban hành Kế hoạch hệ thống hóa kỳ 2019 - 2023. Trên cơ sở Kế hoạch đề ra, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc, đầy đúng, đúng thời hạn quy định đối với từng nội dung Kế hoạch đề ra.

Bốn là, vai trò là đầu mối trong công tác hệ thống hóa tại địa phương. Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối trên toàn Thành phố trong tổ chức, thực hiện công tác hệ thống hóa kỳ 2019-2023 nên việc hướng dẫn thực hiện được thống nhất, kịp thời, bảo đảm nội dung và thời hạn quy định; nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đều được tổng hợp đầy đủ để có hướng dẫn kịp thời cho các cơ quan, đơn vị thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Năm là, sự phối hợp hợp tích cực, chặt chẽ của các sở, ban, ngành Thành phố và Phòng Tư pháp quận, huyện. Do các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, nên để có kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản được đầy đủ, chính xác cần có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành Thành phố và Phòng Tư pháp quận, huyện.

Lê Sơn (thực hiện)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nướcHệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/he-thong-hoa-van-ban-qppl-giup-phat-hien-mau-thuan-chong-cheo-can-tro-san-xuat-kinh-doanh-a120375.html