Xung quanh sự kiện này, Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học về nội dung này.
Ông Đồng Ngọc Ba, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Hoàn thành Bộ pháp điển đánh dấu bước phát triển mới về bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật".Cùng với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các chiến lược về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật của nước ta đã được xây dựng, từng bước hoàn thiện.
Năm 2012, để khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều nhóm quy phạm pháp luật phân tán bất hợp lý trong các văn bản gây khó khăn trong việc tra cứu, áp dụng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật ngày 16/4/2012 để xây dựng Bộ pháp điển.
Đến nay, Bộ pháp điển đã cơ bản hoàn thành. Nội dung Bộ pháp điển bao gồm các quy phạm pháp luật tập hợp từ khoảng 9000 văn bản QPPL cấp trung ương đang còn hiệu lực, được sắp xếp, cấu trúc theo 45 chủ đề, mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Bộ pháp điển hiện đang có 271 đề mục, đã hoàn thành 265/271 đề mục, mỗi đề mục được pháp điển từ nhóm văn bản QPPL điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc một lĩnh vực nhất định. Cấu trúc của đề mục dựa trên bố cục của văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao nhất trong nhóm văn bản được pháp điển vào mỗi đề mục.
Bộ pháp điển được hoàn thành sẽ giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu để áp dụng pháp luật, góp phần thiết thực đưa pháp luật vào cuộc sống. Bộ pháp điển cũng giúp tăng cường tính công khai, minh bạch. Mặt khác, quá trình tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật vào Bộ pháp điển cũng giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn hoặc những "khoảng trống" pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc ban hành mới cho phù hợp.
Bộ pháp điển của nước ta được phát hành dưới hình thức Bộ pháp điển điện tử, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn) do Bộ Tư pháp quản lý, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được tra cứu, sử dụng miễn phí.
Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính): 'Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thành 24/24 đề mục được giao chủ trì thực hiện pháp điển'.Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã quan tâm tổ chức triển khai thực hiện công tác pháp điển từ Quý IV/2014 và bố trí các điều kiện bảo đảm để thực hiện, xây dựng Bộ pháp điển tại Bộ Tài chính kịp thời, hiệu quả. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2695/QĐ-BTC về Kế hoạch triển khai nhiệm vụ pháp điển hệ thống QPPL của Bộ Tài chính.
Với số lượng 24/271 đề mục được giao chủ trì thưc hiện, chiếm 9% số lượng của Bộ pháp điển, tính đến hết năm 2022, Bộ Tài chính đã hoàn thành 24/24 đề mục, theo đúng lộ trình đặt ra tại kế hoạch.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc thực hiện pháp điển các văn bản do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo được pháp điển tại các đề mục do các bộ, ngành khác chủ trì thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Bộ pháp điển nói chung.
Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan thực hiện pháp điển theo quy định của pháp luật như sau: Rà soát, xác định văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục; xây dựng Kế hoạch pháp điển theo đề mục; thu thập văn bản; raà soát, xác định nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong văn bản có nội dung thuộc đề mục và thực hiện xử lý, kiến nghị xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế nếu có; thực hiện pháp điển; kiểm tra kết quả pháp điển; tổng hợp, xây dựng Hồ sơ kết quả pháp điển gửi thẩm định; tổ chức thẩm định kết quả pháp điển; trình Chính phủ thông qua kết quả pháp điển; sắp xếp kết quả pháp điển vào Bộ pháp điển.
Sau khi Chính phủ thông qua từng phần của Bộ pháp điển, kết quả đó được đăng tải, cập nhật và duy trì thường xuyên, liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được sử dụng miễn phí.
Có thể nhận thấy, kết quả pháp điển của Bộ Tài chính nói riêng và Bộ pháp điển nói chung đã bước đầu được xã hội ghi nhận và khai thác, sử dụng. Việc xây dựng Bộ pháp điển đã góp phần làm tăng tính thống nhất của văn bản; phát hiện được các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, chưa phù hợp của hệ thống pháp luật nói chung, góp phần làm cho hệ thống pháp luật về tài chính trở nên đầy đủ, đồng bộ, thống nhất hơn.
Nhờ vậy, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tài chính được củng cố, minh bạch, dễ tiếp cận hơn, thuận lợi hơn thông qua các hình thức hậu kiểm trong đó có hoạt động pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tài chính.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: 'Bộ pháp điển Việt Nam thực sự là "người bạn đồng hành" của giới luật sư'.Tôi thực sự rất ấn tượng với kết quả pháp điển dưới nhiều khía cạnh, trong đó, tôi cho rằng Bộ pháp điển như một "cẩm nang pháp luật" đem lại những lợi ích vô cùng ý nghĩa với tôi nói riêng và các cá nhân, tổ chức trong xã hội nói chung - đặc biệt là giới luật sư như chúng tôi.
Thứ nhất, các quy phạm pháp luật trong Bộ pháp điển được sắp xếp theo 271 đề mục trong 45 chủ đề với phạm vi nội dung được xác định rõ ràng, ổn định, có tính logic, khoa học, hệ thống cao góp phần bảo đảm tính áp dụng pháp luật được chính xác và giảm công sức, thời gian tìm kiếm, áp dụng pháp luật cũng như hạn chế rủi ro trong việc áp dụng pháp luật không đúng. Qua đó cũng góp phần làm giảm chi phí tuân thủ pháp luật chung trong toàn xã hội.
Thứ hai, Bộ pháp điển là tập hợp đầy đủ các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực nên chúng tôi cũng hoàn toàn yên tâm khi tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật để áp dụng, giải quyết công việc của mình. Các văn bản được đăng tải trên mạng nhiều khi không biết còn hiệu lực hay không, hoặc khi tra cứu, tìm kiếm các quy định trên mạng để giải quyết công việc nhưng không biết là đã đủ chưa, liệu còn có văn bản nào khác cũng đang quy định về vấn đề này hay không. Nhiều khi cũng hoang mang, kể cả khi đã tư vấn cho khách hàng xong rồi mà vẫn chưa yên tâm là đã bảo đảm tính pháp lý một cách đầy đủ, chính xác chưa.
Thứ ba, Bộ pháp điển được xây dựng dưới dạng điển tử, được đăng tải công khai trên môi trường mạng internet. Việt Nam là một nước có mức phổ cập Internet cao. Vì vậy, việc xây dựng Bộ pháp điển điển tử, được đăng tải công khai trên môi trường mạng internet sẽ tạo thuận lợi cho toàn bộ người dân dễ dàng tiếp cận, tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống được thuận lợi, hiệu quả hơn; trình độ, hiểu biết của người dân về pháp luật được nâng cao hơn; thúc đẩy kinh tế - xã hội vận hành, phát triển nhanh hơn đáp ứng mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội, chủ nghĩa.
Thứ tư, Bộ pháp điển được khai thác, sử dụng miễn phí. Tôi cho rằng đây là một điểm rất quan trọng góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống một cách hiệu quả. Hiện nay, một số cơ sở dữ liệu về pháp luật do tư nhân xây dựng có thu phí sử dụng. Những người làm nghề luật như chúng tôi thì mới bỏ tiền hàng tháng để có quyền được tra cứu này. Trong khi người dân mới là đa số. Việc miễn phí khai thác, sử dụng Bộ pháp điển sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, qua đó nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Lê Sơn (thực hiện)
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/khong-ngung-phat-huy-gia-tri-tich-cuc-cua-bo-phap-dien-viet-nam-a120306.html