Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, sáng nay (31/10), Quốc hội thảo luận tại tổ đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng.
Dự thảo Nghị quyết cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay của Hải Phòng chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. Hải Phòng trong giai đoạn mới, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động.
Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn của chính quyền các cấp của Thành phố.
Tại Dự thảo Nghị quyết, mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng được đề xuất như sau: Chính quyền địa phương ở quận, phường tại thành phố Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường).
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng và các đơn vị hành chính khác của thành phố Hải Phòng có HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Chuyển các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận và HĐND phường thực hiện trước đây sang HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; UBND, Chủ tịch UBND quận; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủy Nguyên và UBND phường thực hiện; đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan này (tương tự TPHCM và Đà Nẵng đang thực hiện) để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, TP. Hải Phòng hiện đang áp dụng mô hình chính quyền 3 cấp, tức là cấp tỉnh, cấp quận/huyện và cấp xã/phường.
Nếu Nghị quyết này được ban hành thì TP. Hải Phòng sẽ lựa chọn mô hình chính quyền đô thị một cấp giống như TP. Đà Nẵng. Mô hình này thể hiện được sự năng động và phù hợp với quy mô của TP. Hải Phòng hiện nay.
Liên quan tới cơ cấu tổ chức HĐND, theo Tờ trình của Chính phủ, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách cấp thành phố tăng nhưng giảm toàn bộ đại biểu HĐND cấp quận và cấp phường.
Như vậy, tổng số biên chế sẽ giảm rất nhiều nhưng chức năng, nhiệm vụ giám sát của cơ quan dân cử và vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền vẫn được bảo đảm.
Đối với số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định như áp dụng với Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, tức là theo phân loại đơn vị hành chính.
Tại tổ TPHCM, ĐBQH Đỗ Đức Hiển bày tỏ cơ bản tán thành với việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng tương tự với mô hình đang được thực hiện tại Đà Nẵng và TPHCM và cho rằng mô hình này phù hợp với quy mô, phạm vi cũng như tính chất đô thị của TP. Hải Phòng.
Thời gian gần đây, nhiều địa phương đề xuất mô hình chính quyền đô thị. Riêng đối với Hà Nội, mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội được ghi nhận trong Luật Thủ đô.
Xuất phát từ thực tế các thành phố trực thuộc trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội, đại biểu Đỗ Đức Hiển và các đại biểu trong đoàn TPHCM đề nghị, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM và Đà Nẵng, Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước.
Đánh giá tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị
Thảo luận tại tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng.
Thực tế hiện nay cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì có 3 thành phố đã áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và TP. Hải Phòng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp này.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội thống nhất phương án Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khi không tổ chức HĐND ở quận, ở phường; quyết định cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, phường.
"Những nội dung khác liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù và khác với quy định của luật thì nên quy định trong Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Hải Phòng mà Chính phủ đang dự kiến đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đúng theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Ở bình diện rộng hơn, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị và việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị trong tương lai.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, cả nước hiện có 5 thành phố trực thuộc Trung ương nhưng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố này không giống nhau. Vì vậy, khi ban hành cũng như tổ chức thực hiện Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng phải nghiên cứu, rút được kinh nghiệm của các địa phương đã thực hiện trước đó.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng, các bộ, ngành quan tâm, giúp Hải Phòng tổ chức được chính quyền đô thị một cách thuận lợi, không làm phát sinh những vấn đề như tại một số địa phương vừa qua.
"Chúng ta cũng phải khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang được thực hiện tại một số địa phương, tiến tới việc đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Thảo luận tại tổ 15 (Yên Bái, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận), ĐBQH tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng nhằm thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng cơ bản giống mô hình đang triển khai tại TPHCM và TP. Đà Nẵng, dựa trên tiếp thu có chọn lọc những kết quả đạt được tại hai thành phố này; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đối với thành phố Thủy Nguyên, cơ bản áp dụng giống mô hình TP. Thủ Đức tại TPHCM. Về các nội dung cụ thể về HĐND, UBND thành phố Thủy Nguyên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định để bảo đảm đầy đủ, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị được lựa chọn.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh quan điểm của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ là triệt để phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ sở và quyết liệt trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng như sắp xếp các cơ quan, đơn vị trong hệ thống.
Trên cơ sở thực tiễn của 3 địa phương TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành tổng kết Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
"Cái gì hay, cái gì tốt sẽ được luật hóa, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội trong năm 2025, trong đó thiết kế một chương riêng về tổ chức chính quyền đô thị, đề xuất thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị thống nhất, qua đó tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Hải Giang
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/to-chuc-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-de-hai-phong-phat-trien-nang-dong-a119965.html