Gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục quan tâm, góp ý về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, trong đó có việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, như quy định tại Điều 92 của dự thảo Luật sửa đổi lần này.
Quan tâm và ủng hộ việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Thích Đức Thiện (tỉnh Điện Biên) cho biết, theo thống kê, cả nước ta hiện có hơn 40.000 di tích, hơn 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích ở nước ta còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Nhiều di tích, di sản văn hóa đang bị xuống cấp, mai một do thiếu kinh phí duy trì. Ví dụ như di tích Đồng Dương ở Quảng Nam đang trong tình trạng khẩn cấp và cần nguồn lực để khôi phục…
Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết, để hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được. Quỹ sẽ góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, vốn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội đất nước.
Để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động hiệu quả, đại biểu cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho Quỹ, nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của Quỹ. Bên cạnh đó, quá trình quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ cần đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ; Quỹ cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các chuyên gia trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo, bảo đảm tối đa các giá trị gốc của di tích.
Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất mở rộng thẩm quyền thành lập Quỹ cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Góp ý về chính sách nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7, đại biểu Mai Văn Hải (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc kỹ quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương. Bởi việc hình thành quỹ ở địa phương, không phải tỉnh nào cũng có thể thành lập, nên quy định thành lập Quỹ ở trung ương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập và quản lý quỹ.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Thúy Chinh (tỉnh Hà Giang) bày tỏ đồng tình với các đại biểu về sự cần thiết thành lập Quỹ này và nguồn lực dành cho bảo tồn di sản văn hóa.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, nguồn lực dành cho bảo tồn di sản văn hóa và các nhiệm vụ khác đang đặt ra yêu cầu, nhu cầu rất lớn về ngân sách đảm bảo. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này đã quy định về thẩm quyền thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa và cấp thành lập gồm thành lập cả ở Trung ương và địa phương.
Về nguồn thu, dự thảo Luật đã thể hiện rõ nguồn thu là không sử dụng NSNN. Trong Tờ trình của Chính phủ đã có báo cáo về kinh nghiệm trong việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, lưu ý trong cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, Quỹ bảo tồn di sản của Thừa Thiên Huế được sử dụng các nguồn ngân sách của các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế và không sử dụng ngân sách của địa phương. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay nguồn thu của Quỹ này mới hơn 8 tỷ đồng và rất khó khăn trong triển khai thực hiện. Đại biểu nêu rõ, nguồn thu ở đây là nguồn viện trợ và các tài trợ khác, tuy nhiên đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ về nguồn thu.
Về nhiệm vụ chi, theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, trong 4 nhiệm vụ được quy định tại Điều 92 của dự thảo Luật, có 3 nhiệm vụ có thể được chi từ nguồn NSNN, đã có nhiệm vụ được thể hiện tại Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về văn hóa. Do đó, sẽ trùng với nhiệm vụ chi của NSNN và trùng với nhiệm vụ chi của CTMTQG.
Đại biểu cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa đặt ra từ yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên điều này cũng sẽ dẫn đến nhiều rủi ro như: (1) phân tán về nguồn lực của NSNN; (2) không đảm bảo nguyên tắc là một tài liệu duy nhất về NSNN; (3) khó khăn khi triển khai tổ chức thực hiện. “Tôi cho rằng, khi nguồn lực của chúng ta không được thể hiện một cách rõ ràng thì sẽ rất khó để tổ chức được thực hiện, đặc biệt là đối với các địa phương, việc thành lập, duy trì và quản lý vận hành các quỹ này sẽ vô cùng khó khăn”, đại biểu nêu quan điểm.
Do đó, đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị nội dung này cần được xem xét thấu đáo và cân nhắc việc thành lập Quỹ.
Giải trình thêm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, UBTVQH đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương…
Lê Sơn
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/dai-bieu-quoc-hoi-tranh-luan-lap-quy-bao-ton-di-san-van-hoa-a119626.html