Hơn 40 năm gắn bó với rừng ở Cát Bà
Trò chuyện với khách trên bè nổi tròng trành theo nhịp sóng nước tại khu vực Bến Bèo ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, ông Lê Ngọc Nghị - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cát Dứa thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà, kể về quãng thời gian gắn bó với rừng suốt hơn 40 năm.
"Năm 1983, tôi vào làm công nhân tại Lâm trường Cát Bà. Đến năm 1986, khi VQG Cát Bà được thành lập, tôi về làm cán bộ kiểm lâm ở đây cho đến nay. Niềm vui lớn nhất đối với tôi là đóng góp một phần nhỏ bé bảo vệ những cánh rừng", ông Nghị chia sẻ.
Ông Nghị thuộc lớp kiểm lâm đầu tiên của Hạt Kiểm lâm VQG Cát Bà. Trải qua gần 40 năm, nhiều người nghỉ hưu theo chế độ, nghỉ mất sức lao động, chỉ còn ông và một đồng nghiệp nữa còn trụ lại gắn bó, bảo vệ rừng.
Theo ông Nghị, khi mới thành lập, khó khăn lớn nhất là chuyển đổi từ đơn vị chuyên khai thác sang bảo vệ rừng. Đối với lực lượng Kiểm lâm, công việc càng khó khăn hơn nữa bởi những mâu thuẫn với không ít người dân địa phương vốn có thói quen từ nhiều đời vào rừng khai thác củi, dược liệu, săn bắt thú.
Trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1990, xảy ra tình trạng người dân địa phương sống nhờ rừng "không nhìn mặt" các cán bộ kiểm lâm VQG Cát Bà bởi bị ngăn cấm khi vào rừng mưu sinh.
Sau năm 1990 đến nay, mâu thuẫn trên ngày càng dịu bớt và biến mất. Đến nay, mỗi khi thấy các cán bộ kiểm lâm, người dân nhiều nơi vốn trước kia sống nhờ rừng ở các xã Việt Hải, Gia Luận, Hiền Hào, Xuân Đám, Trân Châu… (cùng huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng) đều tay bắt mặt mừng.
Con trăn gấm lớn từ Vườn quốc gia Cát Bà bò xuống tuyến đường xuyên rừng (Video: Vườn quốc gia Cát Bà).
Lý giải về điều này, ông Nghị chia sẻ, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nên nhiều người hiểu và thông cảm cho công việc của các cán bộ kiểm lâm. Đặc biệt, khi du lịch phát triển, nhiều người chuyển sang làm du lịch có được thu nhập cao nên họ từ bỏ, đoạn tuyệt hẳn với nghề đi rừng vốn vất vả, khó khăn, lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong khi thu nhập không ổn định.
"Dành cả tuổi thanh xuân để giữ rừng, đến nay, khi sắp về hưu tôi chỉ mong muốn các kiểm lâm trẻ sẽ tiếp nối và làm tốt công việc này. Bảo vệ được rừng cũng có nghĩa bảo vệ được nguồn sống cho các thế hệ mai sau và nguồn gen quý giá", ông Lê Ngọc Nghị tâm sự.
"Người gác voọc" thầm lặng
Với những người yêu voọc Cát Bà - loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm thứ 2 trên thế giới và chỉ có ở VQG Cát Bà, ai cũng biết ông Nguyễn Huy Cầm - Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Eo Bùa thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Cát Bà. Ông Cầm có thời gian gần 20 năm gắn bó với voọc Cát Bà và cũng là tác giả của nhiều hình ảnh, thước phim quý giá về voọc Cát Bà.
Trao đổi với phóng viên, ông Cầm cho biết, ông làm kiểm lâm tại VGQ Cát Bà từ năm 1994. Khi VQG Cát Bà thành lập Khu bảo tồn voọc Cát Bà tại khu vực Giỏ Cùng, ông Cầm được cử ra bám trụ tại đây. Sau đó, ông trở thành "đặc phái viên" của VQG Cát Bà hợp tác, giúp đỡ Dự án bảo tồn voọc Cát Bà do tổ chức phi chính phủ tài trợ.
Thời gian gần đây, khi lần lượt bố rồi đến mẹ bị bệnh nặng, ông Cầm mới xin lãnh đạo VQG Cát Bà được về công tác tại Trạm Kiểm lâm Eo Bùa để tiện chăm sóc.
"Trong suốt thời gian gắn bó với voọc Cát Bà, có 2 chuyện làm tôi buồn và nhớ mãi. Chuyện thứ nhất xảy ra vào mùa Đông năm 2019, khi đang đi tuần tra trên biển, tôi thấy con voọc Cát Bà đực tấn công đàn khác. Sau đó, nó cắn con voọc mới sinh văng xuống biển. Mặc dù trời lạnh, tôi vẫn nhảy xuống biển cứu con non đưa về trung tâm VQG Cát Bà.
Sau đó, con voọc Cát Bà non này được Trung tâm cứu hộ động vật thuộc VQG Cúc Phương đưa về chữa trị. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, nó đã chết trên đường đi.
Chuyện thứ hai xảy ra sau đó một thời gian, tôi tận mắt chứng kiến con voọc Cát Bà đực cướp đàn cắn chết 5 cá thể con non mới sinh. Sau khi quan sát kỹ, tôi thấy 1 xác con non nổi lên trên mặt biển vẫn còn hấp hối. Khi tôi đưa về trung tâm VQG Cát Bà, con non này cũng không qua khỏi", ông Nguyễn Huy Cầm kể lại với đôi mắt rơm rớm nước.
Ngọn lửa tình yêu với rừng, với voọc Cát Bà đã được ông Nguyễn Huy Cầm truyền lại cho con trai của mình là anh Nguyễn Huy Thành, sinh năm 1998. Anh Nguyễn Huy Thành chính thức trở thành cán bộ kiểm lâm VQG Cát Bà từ ngày 1/10/2024.
"Từ khi còn nhỏ, mỗi khi có dịp, tôi lại cùng bố đi rừng. Tôi yêu rừng qua câu chuyện của bố cũng như các chú, bác làm kiểm lâm. Nhất là những hình ảnh về đàn voọc Cát Bà được bố tôi chụp lại và nâng niu trân trọng.
Vì thế, dù có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp với mức thu nhập cao gấp 3, 4 lần, nhưng tôi vẫn chọn nối nghiệp bố làm kiểm lâm để giữ rừng, bảo vệ voọc Cát Bà", anh Nguyễn Huy Thành tâm sự.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc VQG Cát Bà, thông tin, từ đầu năm đến nay, đàn voọc Cát Bà sinh thêm 15 con non nâng tổng số cá thể lên hơn 90 con - cao nhất trong vòng hàng chục năm nay.
Không chỉ có voọc Cát Bà, nhờ được bảo vệ, nhiều động vật ở VQG Cát Bà đang được "hồi sinh" và đông đúc trở lại.
Thời gian gần đây, thường xuyên xuất hiện cảnh đàn khỉ vàng kéo nhau xuống khu vực trung tâm VQG Cát Bà nô đùa. Mỗi khi tối đến, lại râm ran tiếng tắc kè. Thi thoảng, người đi đường lại bắt gặp cảnh những con trăn gấm lớn lừng lững trườn bò nơi ven đường…
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nhung-nguoi-danh-ca-tuoi-thanh-xuan-de-giu-rung-o-cat-ba-a119600.html