Bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm tại Bình Định: Sở Y tế khuyến cáo về phòng, chống bệnh cúm

Ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định - cho biết, cúm chủng A/H1pdm là chủng cúm mùa thông thường, chủ yếu mắc phải ở nhóm người già, trẻ em. Chủng cúm này có thể điều trị bằng thuốc kháng virus, hoặc tiêm phòng vắc xin.

Chiều 23/10, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định - cho biết, sau khi xuất hiện ca bệnh tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm tại huyện Vĩnh Thạnh, Sở chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định (CDC Bình Định) phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh triển khai công tác phòng, chống dịch cúm; vệ sinh, khử khuẩn, theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; tăng cường công tác giám sát các trường hợp viêm phổi nặng...

Bệnh nhân tử vong sau 5 ngày khởi phát bệnh

Trước đó, vào sáng 23/10, ông Nguyễn Thanh Truyền – Giám đốc CDC Bình Định -  xác nhận, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một trường hợp tử vong do cúm A/H1pdm.

Trường hợp tử vong là ông Trần Văn T. (51 tuổi, trú thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định).

Theo ghi nhận, ông T. khởi phát bệnh từ ngày 12/10/2024 với triệu chứng: sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ho nhiều, khò khè, người nhà tự mua thuốc điều trị tại nhà (không rõ loại thuốc) nhưng bệnh không thuyên giảm.

Đến ngày 13/10/2024, bệnh nhân sốt cao, mệt nhiều nên người nhà đưa đến nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh với chẩn đoán: loét dạ dày, rối loạn tiền đình, viêm phế quản.

Ngày 16/10/2024, bệnh nhân mệt ho nhiều, khò khè sốt 39 độ C, nhức mỏi toàn thân. Tối cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên với chẩn đoán: viêm phổi biến chứng, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, hội chứng Cushing, trào ngược dạ dày thực quản, theo dõi sốt xuất huyết Dengue.

Khoảng 5h11 ngày 17/10/2024, bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định - với chẩn đoán: viêm phổi do virus, chưa được phân loại nơi khác. Đến 15h30 ngày 17/10/2024, bệnh nhân hôn mê, thở máy. Đến 16h00, bệnh nhân co giật từng cơn ngắn. Tiên lượng rất nặng.

Đến 18h ngày 17/10/2024, bệnh nhân hôn mê sâu, thở máy hoàn toàn. Nhịp tim xu hướng chậm dần, huyết áp không đo được. Người nhà xin đưa bệnh nhân về nhà, sau đó bệnh nhân tử vong.

Theo CDC Bình Định, nghi ngờ bệnh nhân nhiễm cúm A, ngày 17/10/2024, CDC Bình Định đã điều tra ca viêm phổi nặng nghi do vi rút, lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định. Kết quả, ông Trần Văn T. dương tính với Cúm A/H1pdm.

Sau khi có kết luận chính thức của Viện Pasteur Nha Trang, CDC Bình Định báo cáo toàn vụ việc lên Sở Y tế tỉnh.

Khuyến cáo phòng chống dịch, tiêm vắc xin

Trao đổi với PV, ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Sở Y tế Bình Định - cho biết, bệnh cúm A/H1pdm đã trở thành một chủng cúm mùa thông thường, nhưng vẫn có khả năng gây biến chứng nặng ở nhóm người lớn tuổi trên 65 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Cúm A/H1 được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009, vì vậy nó có tên là pdm-pandemic 09. Tuy nhiên, sau đại dịch 2009, virus này trở thành virus thông thường lưu hành trong cộng đồng.

Sở Y tế Bình Định khuyến cáo, đối với chủng cúm này, người dân không nên quá lo lắng. Người dân nên tuân thủ việc giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang, khử khuẩn... Cùng với đó, tiêm vắc xin phòng ngừa cũng là một trong giải pháp phòng dịch bệnh hiệu quả.

Ngoài ra, khi có triệu chứng ho, sốt cao, người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị, mà nên thăm khám ở các cơ sở y tế được hỗ trợ, điều trị kịp thời; tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng.

Bình Định ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do cúm A/H1pdmBình Định ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do cúm A/H1pdm

Bệnh nhân là ông Trần Văn T. (51 tuổi) ở huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) nhập viện với triệu chứng sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ho nhiều, người nhà mua thuốc tự điều trị tại nhà nhưng bệnh không thuyên giảm.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/benh-nhan-tu-vong-do-nhiem-cum-ah1pdm-tai-binh-dinh-so-y-te-khuyen-cao-ve-phong-chong-benh-cum-a119239.html