Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, ô nhiễm nhựa, còn gọi là ô nhiễm "trắng" do nhựa dùng một lần gây ra, là vấn đề môi trường, là thách thức lớn đối với xã hội hiện đại. Rác thải nhựa đã có mặt khắp mọi nơi, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi nơi từ khu đô thị đến vùng nông thôn và cả đại dương, rác thải nhựa đã và đang tác động tiêu cực đến động vật hoang dã, hệ sinh thái và sức khỏe của con người. Điều này đòi hỏi cả xã hội cần hành động kịp thời, quyết liệt hơn để giảm thiểu những tác động này.
Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), quy định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Đây là một bước tiến quan trọng của chính sách môi trường Việt Nam nhằm yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thu gom và tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì của mình sau khi người tiêu dùng thải bỏ trong đó có sản phẩm, bao bì nhựa.
Việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc EPR sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế trong nước phát triển, giảm dần phụ thuộc vào nguồn phế liệu nhập khẩu, tạo điều kiện để xây dựng một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, trong đó các tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả và không bị lãng phí.
Theo đó, trong suốt 6 tháng kể từ khi phát động Cuộc thi, các đơn vị, tổ chức tham gia đã cho ra đời rất nhiều ý tưởng sáng tạo và đột phá. Những kết quả của các đội thi không chỉ thúc đẩy lĩnh vực quản lý rác thải nhựa mà còn truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng tham gia vào cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.
"Tôi tin rằng, các giải pháp trong Cuộc thi được đưa ra, sẽ tạo ra tác động tích cực đáng kể đến môi trường và nền kinh tế, góp phần hỗ trợ thực hiện EPR và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đồng thời, chứng minh được rằng với sự sáng tạo và cam kết mạnh mẽ, chúng ta có thể cùng nhau đối phó hiệu quả đối với những thách thức môi trường lớn nhất hiện nay." - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Ông Fergus McBean - Bí thư Thứ nhất Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đánh giá cao về vai trò của chương trình "Giải pháp Đổi mới tuần hoàn nhựa". Ông nhận định, rác thải nhựa là một trong những thách thức mang tính cấp bách nhất đối với môi trường trong thời đại của chúng ta. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tình trạng của đại dương và hệ sinh thái, mà còn tới sự thịnh vượng của các cộng đồng trên toàn thế giới.
Sự đổi mới cần thiết để giải quyết vấn đề này không chỉ đến từ những ý tưởng đột phá, mà còn từ sự phối hợp hành động giữa các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân. Vương quốc Anh, với tư cách là thành viên của Liên minh Khát vọng chấm dứt ô nhiễm nhựa, đã xác định rõ các ưu tiên trong việc chấm dứt vấn đề ô nhiễm nhựa. Đây là lý do tại sao các cuộc thi như Giải pháp Đổi mới tuần hoàn nhựa lại đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra một nền tảng thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.
Trong Chung kết Cuộc thi, các đội chơi đã tham gia nhiều vòng chơi, bao gồm: Thuyết trình dự án, trưng bày sản phẩm, đưa ra Giải pháp triển vọng và Ý tưởng đổi mới sáng tạo; với các sáng kiến về: Công nghệ chuyển đổi rác thải nhựa thành vật liệu tự phục hồi; Ứng dụng Công nghệ vào thu gom tái chế rác thải nhựa; Phát triển nhựa sinh học,…
Qua các phần thi, Ban Giám khảo chấm điểm các đội chơi dựa trên các tiêu chí bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nhựa...
Thu Cúc
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tim-giai-phap-dot-pha-chong-o-nhiem-nhua-a119187.html