Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Trần Xuân Điệu cho biết, từ năm 2022 xã Văn Đức đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm 2024, xã được thành phố, huyện Gia Lâm lựa chọn là một trong 3 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ngay từ đầu năm, cán bộ và nhân dân trong xã tiếp tục đoàn kết bắt tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xã tập trung xây dựng thôn Chử Xá kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực: Mô hình thôn thông minh và Giáo dục - Đào tạo. UBND xã Văn Đức đã hướng dẫn thôn Chử Xá tiến hành điều tra, rà soát thực trạng kinh tế, cơ sở hạ tầng tại thôn để có giải pháp đầu tư, vận động xã hội hóa thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin phục vụ xây dựng thôn thông minh.
Vì vậy, thôn Chử Xá đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, nhóm Zalo "Tổ chuyển đổi số cộng đồng thôn Chử Xá", thường xuyên cập nhật, trao đổi kiến thức, nâng cao kỹ năng số cơ bản để tuyên truyền, hướng dẫn người dân; xây dựng các "Điểm chuyển đổi số", thực hiện mô hình "Điểm hướng dẫn, sử dụng dịch vụ công trực tuyến" để hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, thôn có 735 hộ gia đình, có gần 1,5 nghìn điện thoại thông minh, 100% số hộ đồng tình xây dựng thôn thông minh; 682/735 hộ sử dụng các tiện ích của ví điện tử để thanh toán, giao dịch hàng hóa; 126/735 hộ lắp camera giám sát; thôn cũng huy động xã hội hóa lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại nhà văn hóa thôn, khu vực công cộng...
Tương tự, tại xã Ninh Hiệp, ngay sau khi hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022, với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Ninh Hiệp tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của huyện đăng ký, phát động xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ninh Hiệp đã nỗ lực hết sức mình xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Công tác thông tin tuyền truyền, vận động xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Nguồn vốn lũy kế huy động được từ năm 2016 đến nay được trên 454 tỷ đồng; thu nhập đạt hơn 95 triệu đồng/người/năm (tăng 15,2% so với mức thu nhập bình quân năm 2022.
Trên địa bàn xã xây dựng một mô hình thôn thông minh tại thôn 9 đảm bảo các chỉ tiêu có tổ công nghệ số cộng đồng. Bên cạnh đó là du lịch thông minh và có một số sản phẩm được đăng trên các sàn thương mại điện tử, trang web và trang mạng xã hội, đặc biệt phải kể đến 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của công ty Sanavi là "Đông trùng hạ thảo tươi" và "Đông trùng hạ thảo Nhất Gia".
Dịch vụ xã hội gồm y tế thông minh đã có 92,3% nhân dân đã cài đặt các ứng dụng tư vấn y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế như: Sổ sức khỏe điện tử, app VssID - nông nghiệp thông minh. Với đặc thù là một xã thương mại, dịch vụ, việc phát triển nông nghiệp tại thôn 9 tập trung chủ yếu vào phát triển, sơ chế các sản phẩm dược liệu và các sản phẩm dược liệu của thôn đã được đăng trên các trang thương mại điện tử và các sản phẩm được chế biến từ sen khô, mứt sen, hoa quả sấy khô... đã được áp dụng công nghệ số trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Vệ sinh hoạt cộng đồng thông minh đã huy động nguồn lực để đầu tư các thiết bị thông minh phục vụ sinh hoạt cộng đồng trong thôn. Từ đó, giúp người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ và các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo UBND xã Yên Thường, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, xã Yên Thường tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt được và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường làm tốt công tác huy động mọi nguồn lực thực hiện 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và đặc biệt, chú trọng làm tốt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu là thu nhập thôn thông minh và 3 tiêu chí tự chọn là an ninh trật tự, giáo dục và văn hóa. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện nông thôn mới trên địa bàn xã từ 2011- 2024 là hơn 658 tỷ đồng.
Có thể thấy xây dựng nông thôn mới thông minh đã giúp cho người dân ngày càng trở nên văn minh, hiện đại, tiếp cận với khoa học công nghệ một cách thức thời và trở thành những công dân của thời đại 4.0 linh hoạt, nhạy bén và trí tuệ. Nhờ vậy, đời sống của người dân cũng được nâng cao cả về tinh thần và vật chất. Để xây dựng được nông thôn thông minh, Hà Nội đang đẩy mạnh hỗ trợ người dân chuyển đổi số để đảm bảo phát triển chính quyền số, phát triển các chủ thể kinh tế số và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư...
Thiện Tâm
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/ha-noi-cac-xa-day-manh-chuyen-doi-so-xay-dung-nong-thon-moi-thong-minh-a119150.html