Ngày 19/10, Bộ GD&ĐT thông tin, để các địa phương có căn cứ triển khai chuẩn bị cho các kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã dự thảo và bắt đầu lấy ý kiến rộng rãi xã hội về dự thảo Quy chế thi tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh THPT.
Theo VOV tại bản Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT vừa được công bố, Bộ GD&ĐT đã bỏ đề xuất bốc thăm môn thứ 3 thi vào lớp 10, đồng thời cho phép địa phương tự quyết định.
Cụ thể theo kế hoạch, việc ban hành Quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ sớm hơn 3 tháng so với những năm trước. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, giáo viên, học sinh trong quá trình dạy - học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi.
Về phương thức xét tuyển, căn cứ là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh.
Với phương thức thi tuyển, số môn thi là 3 môn với toán, ngữ văn và 1 môn thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp. Các Sở GD&ĐT được chọn 1 trong 2 phương án và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Theo đó, nếu chọn môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Nếu chọn bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.
Về thời lượng làm bài thi của từng môn, môn ngữ văn 120 phút, môn toán 90 phút hoặc 120 phút, môn thi thứ ba 60 phút hoặc 90 phút, bài thi tổ hợp 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9.
Dự thảo Quy chế cũng Quy định khung một số yêu cầu về việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và công bố kết quả, điểm chuẩn, chế độ tuyển thẳng, chế độ ưu tiên… để bảo đảm chất lượng, an toàn trong tổ chức kỳ thi tại các địa phương.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, trong thống kê tính đến ngày 7/10, có 60/63 Sở GD&ĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.
Ngoài ra, dự thảo quy chế cũng quy định khung một số yêu cầu về việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và công bố kết quả, điểm chuẩn, chế độ tuyển thẳng, chế độ ưu tiên… để bảo đảm chất lượng, an toàn trong tổ chức kỳ thi tại các địa phương.
Đáng nói, về chính sách cộng điểm ưu tiên vào lớp 10, đối tượng ưu tiên được chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 được cộng 2 điểm, nhóm 2 được cộng 1,5 điểm, nhóm 3 được cộng 1 điểm.
Các đối tượng này là con liệt sĩ, thương bệnh binh, con của anh hùng lực lượng vũ trang, con đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh sống và học tập ở vùng khó khăn đặc biệt.
Năm học 2024-2025 là năm khép kín chu kỳ thực hiện Chương trình giáo dục 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, năm học này thi tuyển sinh lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dự kiến Thông tư Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ được hoàn thiện và ban hành trước 31/12/2024.
Đáng chú ý trước khi công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT lấy ý kiến rộng rãi xã hội, Bộ GD&ĐT đã gửi lấy ý kiến của 63 Sở GD&ĐT và các trường THPT trong cả nước về một số nội dung của Quy chế.
Trong đó có 8.267 ý kiến đồng ý với các nội dung dự thảo chiếm 92.9%; có 631 ý kiến có đề nghị bổ sung. Có 60/63 Sở GD&ĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực, theo Đại Biểu Nhân Dân)
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/bo-gddt-bo-de-xuat-boc-tham-mon-thu-3-thi-vao-lop-10-a118895.html