Ngành chăn nuôi của Việt Nam là một phần quan trọng của nền kinh tế. Việc phòng bệnh cho vật nuôi là vô cùng quan trọng và trở thành nhiệm vụ không thể thiếu trong quy trình phát triển chăn nuôi. Ở đâu còn bệnh truyền nhiễm lưu hành thì ở đó sản phẩm chăn nuôi còn bị đe dọa ngừng lưu thông.
Khuyến cáo của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho thấy, sử dụng vacine phòng bệnh cho vật nuôi là biện pháp tốt nhất, có hiệu quả nhất để đảm bảo cho nền chăn nuôi phát triển bền vững và an toàn.
Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, 3 trong số 5 bệnh trên động vật nguy hiểm được Chính phủ ưu tiên kiểm soát và ban hành kế hoạch quốc gia sẽ kết thúc vào năm 2025. Trong số này có dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm và lở mồm long móng.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, thống kê trong 9 tháng đầu năm, số ca mắc cúm gia cầm tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ 2023. Cá biệt, từ đầu tháng 8 đến 16/9, 27 con hổ và 3 sư tử tại Đồng Nai bị chết. Sau đó, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương kết luận, các mẫu của nhóm động vật này cho kết quả dương tính với virus A/H5N1.
Với bệnh dại, cả nước có tới 70 ca tử vong tại 32 tỉnh, thành phố, gần bằng so với cả năm 2023 - 82 ca. Nguy hiểm hơn, trong các cuộc điều tra do Cục Thú y thực hiện, gần 50% số mẫu nghi mắc bệnh dại cho kết quả dương tính.
Bệnh lở mồm long móng cũng tăng đột biến từ đầu năm. So với 9 tháng cùng kỳ 2023, số ổ dịch tăng 2,7 lần, số ca mắc bệnh tăng 2,68 lần, tổng số chết, tiêu hủy tăng 6,23 lần.
Viêm da nổi cục, một bệnh có thể phòng, tránh hoàn toàn bằng vacine, cũng tăng số ca mắc, dù không nhiều. Dù hệ thống thú y đã cung ứng hơn 500.000 liều vacine từ đầu năm, số tỉnh, thành phố có ca mắc viêm da nổi cục vẫn tăng từ 15 lên 18 địa phương.
Việt Nam đã sản xuất thành công vacine thương mại cho dịch tả lợn châu Phi nhưng số ca mắc bệnh và số lượng lợn bị tiêu hủy vẫn tăng gần 3 lần. Các ổ dịch xuất hiện chủ yếu tại khu vực phía Bắc.
Nhiều nguyên nhân được nêu ra, giải thích cho hiện tượng dịch bệnh nguy hiểm tăng cao trên đàn vật nuôi. Nhưng theo Cục Thú y, vấn đề chính nằm ở việc tỷ lệ tiêm phòng vacine tại địa phương tương đối thấp. Ngoài ra, tình trạng người dân mua, bán động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, công tác quản lý giết mổ, vận chuyển trong vùng dịch chưa thực hiện theo đúng quy định.
Bên cạnh đó là việc đẩy nhanh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Trong đó, ngoài vùng chính, địa phương cần phải xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh cho cả vùng đệm, bao gồm các địa phương cấp huyện giáp ranh.
Để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho bệnh lở mồm long móng, tỉnh Bình Dương có nhiều kinh nghiệm như: ngoài toàn bộ các thành phố, thị xã, huyện thuộc Bình Dương, hệ thống thú y phải triển khai các biện pháp đồng bộ tại nhiều huyện, gồm: Tân Châu, Hớn Quản, Phú Riềng, Bù Gia Mập, TX Phước Long (Bình Phước), Tuy Đức, Đắk R'Lấp (Đắk Nông), Cát Tiên, Tân Phú (Lâm Đồng), Vĩnh Cửu, Tràng Bom, TP Biên Hòa (Đồng Nai)...
Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự phối hợp với doanh nghiệp, người dân, Cục Thú y khuyến nghị địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của virus, nhất là cúm gia cầm tại chợ buôn bán gia cầm sống
"Cục Thú y cam kết hỗ trợ nguồn lực, vật lực để cùng địa phương xây dựng, hoàn chỉnh bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm", Cục trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/cuc-thu-y-san-sang-cung-cac-dia-phuong-xay-dung-ban-do-dich-te-a118748.html