Nhân rộng mô hình nông thôn mới nâng cao tại 'thủ phủ vải thiều' Lục Ngạn

(Chinhphu.vn) - Xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến tích cực toàn diện đến đời sống vật chất, tinh thần bà con nhân dân tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là trên vùng đất của "thủ phủ vải thiều" Lục Ngạn.

Nhân rộng mô hình nông thôn mới nâng cao tại 'thủ phủ vải thiều' Lục Ngạn- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm vườn vải thiều tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, trong những năm qua, huyện Lục Ngạn luôn làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân hiến đất và tài sản trên đất để xây dựng nông thôn mới; huy động mọi nguồn vốn, nhân công lao động của địa phương thực hiện các dự án; thực hiện các phong trào thi đua như "Lục Ngạn chung sức xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào "5 không 3 sạch"… Các phong trào đã tạo sự lan tỏa, khí thế sôi nổi thực hiện xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện. 

Năm 2024, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã vận động nhân dân hiến đất làm đường và nhiều ngày công. Kết quả, nhân dân hiến được trên 5,8 tỷ đồng xây dựng các công trình nông thôn mới trên địa bàn các xã.

Thực hiện nông thôn mới, đến nay, huyện Lục Ngạn có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới và 14 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó có một số địa phương có xã nông thôn mới là xã Giáp Sơn, Kiên Thành, Trù Hựu...; xã nông thôn mới nâng cao là xã Quý Sơn, Hồng Giang, Mỹ An...; thôn nông thôn mới kiểu mẫu là thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn; thôn Muối, xã Giáp Sơn; thôn Sậy, xã Trù Hựu...

Điển hình tại xã Giáp Sơn, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Tứ cho biết, sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2018, chính quyền và các ngành đoàn thể của xã đã thường xuyên phát động các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình gắn với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao như cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới", "Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Giáp Sơn chung tay xây dựng nông thôn mới"; Mô hình "Dân vận khéo"; mô hình "5 không, 3 sạch", phong trào "Đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường", "ngày chủ nhật xanh"... được triển khai thường xuyên, hiệu quả.

"Với xuất phát điểm có nhiều khó khăn, diện tích xã Giáp Sơn khá rộng, dân cư đông, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở vật chất còn khó khăn, địa hình đồi núi gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, đội ngũ cán bộ của xã chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng nông thôn mới nên bước đầu cấp chính quyền ở xã gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, sau gần 6 năm triển khai, diện mạo nông thôn mới của xã đã thực sự "thay da đổi thịt", trở thành xã tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của huyện"- ông Tứ cho biết.

Nhân rộng mô hình nông thôn mới nâng cao tại 'thủ phủ vải thiều' Lục Ngạn- Ảnh 2.

Trường học khang trang, sạch đẹp tại xã Giáp Sơn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Hiện nay Giáp Sơn đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện cơ bản, nhiều công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và xây mới. Kết quả rà soát, 19/19 tiêu chí đều đạt theo yêu cầu Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí sau đạt chuẩn xã nông thôn mới đã được nâng cao. Cụ thể, cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã tiếp tục được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế- xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho nhân dân. Hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Tỷ lệ km đường trục thôn, đường ngõ, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT được nâng lên, tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, không lầy lội, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Từ năm 2018-2024, xã đã cứng hóa thêm được nhiều tuyến đường trục xã, liên thôn, trục thôn, ngõ xóm, đường nội đồng gắn với giao thông nông thôn với tổng chiều dài 3,5 km, các công trình cứng hóa đường đã hoàn thành 100% kế hoạch đăng ký thực hiện. Hệ thống kênh mương được nâng cấp từ năm 2018- 2024, xây dựng cứng hóa thêm 16.4 km kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

TIN LIÊN QUANBắc Giang: Nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới điển hìnhBắc Giang: Xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, có chiều sâuPhát triển thế mạnh sản phẩm OCOP tại Bắc GiangBắc Giang còn nhiều dư địa phát triển nông nghiệpBắc Giang đã tiêu thụ được hơn 11.400 tấn vải thiềuBắc Giang đã tiêu thụ được hơn 11.400 tấn vải thiều

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã tăng từ 46,36 triệu đồng/người năm 2018 tăng lên 58,88 triệu đồng/người (tăng 1,27 lần). Năm 2023, toàn xã có 19 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,81% (theo kết quả thống kê, rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025), giảm 159 hộ nghèo so với năm 2018.

Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn duy trì, giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn Quốc gia, thường xuyên tu sửa, đảm bảo cơ sở vật chất giữ vững chất lượng dạy và học. Xây mới trường mầm Non xã đang hoàn thiện đề nghị trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Trong phát triển nông nghiệp, xã tập trung khai thác thế mạnh địa phương là cây vải cũng như du lịch nhà vườn để góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Hiện vải thiều xã Giáp Sơn có 998 ha, với 10 mã số vùng trồng. Trong đó có 2 mã vùng trồng xuất khẩu Trung Quốc, 4 mã vùng trồng xuất khẩu Nhật Bản và 4 mã vùng trồng xuất khẩu Mỹ.

UBND xã đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể chính trị, xã hội thường xuyên tuyên truyền, chia sẻ các hình ảnh về du lịch của xã thông qua trang fanpage, zalo, facbook của cá nhân cán bộ, công chức, giáo viên, đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã như: đồi vải, vườn bưởi, táo... Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã Giáp Sơn lần thứ XXIII đã xác định việc đưa phát triển du lịch cộng đồng vào hoạt động gắn liền với các vườn cây ăn quả đem lại thu nhập kép cho hộ nông dân, vừa nâng cao thu nhập từ dịch vụ du lịch, vừa giới thiệu được sản phẩm đặc trưng của địa phương, giải quyết đầu ra cho sản phẩm thông qua phát triển du lịch tại địa phương, giá bán cao, thu hút và tạo được việc làm tại chỗ cho người lao động. Năm 2022 và 2023, xã đã đón trên 7.000 khách, chủ yếu từ các thành phố về thăm quan du lịch vườn và mua sản phẩm từ vườn. Bên cạnh đó, du lịch tâm linh xã có 3 điểm di tích được xếp hạng cấp tỉnh là Đình Hạ Long và Chùa Cao Long, Chùa Long Mã.

Với những kết quả đã đạt được, theo ông Nguyễn Văn Tứ, xã sẽ tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trong tâm quan trọng hàng năm. Do vậy, cần tiếp tục tổ chức các hoạt động quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, các nội dung, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao; các mục tiêu cần xây dựng nông thôn mới, xác định mức độ, hình thức đóng góp của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ thu hút các nguồn lực của cá nhân, tổ chức, tập thể và cộng đồng.

Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò, mối quan hệ của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền; xác định rõ vai trò của mỗi tổ chức trong xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.

Thiện Tâm


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nhan-rong-mo-hinh-nong-thon-moi-nang-cao-tai-thu-phu-vai-thieu-luc-ngan-a118449.html