Xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực từ phát triển du lịch nông thôn

(Chinhphu.vn) - Sơn Động là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, với lợi thế có nhiều thắng cảnh đẹp và những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đặc sắc. Vì vậy, huyện Sơn Động đã và đang từng bước khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, đưa du lịch thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Đồng thời góp phần vào thắng lợi của mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực từ phát triển du lịch nông thôn- Ảnh 1.

Khu du lịch rừng sinh thái Khe Rỗ, huyện Sơn Động thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Tống Thị Hương Giang cho biết, việc khai thác phát triển thế mạnh du lịch sẽ thúc đẩy đó, phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người dân địa phương. Sau một năm triển khai thực hiện Kế hoạch UBND tỉnh Bắc Giang về triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Sơn Động đã có bước chuyển biến tích cực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn.

Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp như: Cao nguyên Đồng Cao, hồ Khe Chảo, An toàn khu Quảng Hồng (Chiến khu Lục Sơn Hải); rừng tự nhiên như "Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử"; Khe Rỗ, Khe Nước Vàng, Thác Ba Tia… là một kho tài nguyên du lịch rừng thiên nhiên và nhiều con suối nước trong xanh, sạch đẹp. 

Sơn Động còn sở hữu hệ thống tài nguyên văn hóa phi vật thể bản địa, đặc sắc cùng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Các phong tục, tập quán sinh hoạt, lễ hội và nghi lễ truyền thống… đậm đà bản sắc dân tộc đang được lưu truyền trong nhân dân. Huyện có 9 lễ hội thường xuyên tổ chức ở các xã, cụm xã; có 17 điểm di tích lịch sử- văn hóa đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận di tích cấp tỉnh. 

Đồng thời còn kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như: Các làn điệu dân ca Pá dung, sịnh ca, soong co, shloong hao, tắc xình, múa chuông, múa nón, múa quạt... cũng làm tăng thêm lợi thế cho Sơn Động trong phát triển du lịch, đặc biệt du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.

Huyện Sơn Động cũng có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, đa dạng đều là đặc sản gắn với địa phương như: Mật ong rừng, rượu men lá, nấm lim xanh, miến dong, cam xoàn, hương nến… là những lợi thế không nhỏ trong dịch vụ du lịch.

Xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực từ phát triển du lịch nông thôn- Ảnh 2.

Sơn Động, tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo bà Hương Giang, phát huy tiềm năng địa phương, huyện Sơn Động tập trung cao triển khai, tổ chức thực hiện quy hoạch, nâng cấp đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời phát triển sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng vùng miền; xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Đặc biệt, công tác quy hoạch cũng được huyện rất chú trọng tổ chức thực hiện cùng với việc thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường hướng tới phát triển du lịch. Hay việc thực hiện cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm; hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn các hộ nông dân nông thôn xây dựng sản phẩm OCOP, đạt chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường phục vụ khách du lịch. 

Đến nay, Sơn Động đã có 3 xã bổ sung quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng vào đồ án xây dựng chung gồm: Thanh Luận, Tuấn Đạo và Vân Sơn, với tổng diện tích là 11,7 ha; thẩm định xong 3/17 đồ án quy hoạch chung xây dựng của 3 xã An Bá, Yên Định, Thanh Luận, đạt 17,64 % kế hoạch; đã hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông Điểm du lịch cộng đồng Nà Hin, thôn Gà xã Vân Sơn; toàn huyện đã có 7 sản phẩm đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu gồm: Mật ong rừng Sơn Động, rượu men lá Như Bảo, rượu men lá Tây Yên Tử, nấm lim xanh Sơn Động, miến dong Sơn Động, cam Xoàn, hương Bồng Am.

Về phát triển sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng vùng miền, huyện định hướng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng thị trường và phù hợp với thị trường, đối tượng khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm. Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, các lễ hội, loại hình biểu diễn văn nghệ, thể thao; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống. 

Thành lập 6 hợp tác xã du lịch cộng đồng gắn với các điểm có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền trên địa bàn huyện như: Hợp tác xã du lịch cộng đồng thôn Gà (Nà Hin) xã Vân Sơn, gắn với sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái Đồng Cao; hợp tác xã du lịch cộng đồng thôn Nà Ó và hợp tác xã nông nghiệp du lịch cộng đồng thôn Biểng, xã An Lạc gắn với sản phẩm du lịch rừng sinh thái Khe Rỗ; Hợp tác du lịch cộng đồng Bản Mậu; Hợp tác du lịch cộng đồng Thanh Chung và Hợp tác du lịch cộng đồng Mậu - Ba Tia gắn với sản phẩm du lịch Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử và sản phẩm du lịch núi Mục - Thác Ba Tia.

Xây dựng nông thôn mới chuyển biến tích cực từ phát triển du lịch nông thôn- Ảnh 3.

Múa chuông là một nét đẹp văn hóa của Dân tộc Dao tại huyện Sơn Động. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Để phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn, huyện cũng tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn; hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

Đặc biệt, huyện đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quản bá du lịch nông thôn, xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Thực hiện liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch.

Tuy nhiên, huyện Sơn Động phải đối mặt với không ít khó khăn trong phát triển du lịch do địa bàn rộng, phân bố phức tạp, chia cắt thành nhiều khu vực; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch ở các địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, các hộ gia đình dân tộc tại một số khu điểm du lịch còn nghèo, khó khăn. Các điểm du lịch cộng đồng chưa được đầu tư; các hộ chưa tự đầu tư nên các hợp tác xã chưa đi vào hoạt động thường xuyên, lượng du khách đến lưu trú và trải nghiệm trong cộng đồng vẫn còn ít, chủ yếu đi trải nghiệm trong ngày. Các phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người còn tồn tại trong cộng đồng nhưng đã mai một và không còn nguyên bản.

TIN LIÊN QUANBắc Giang: Nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới điển hìnhBắc Giang: Nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới điển hình

Vì vậy, để chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện phát triển hiệu quả thiết thực, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Động Tống Thị Hương Giang cho biết, huyện Sơn Động sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn, tuyên truyền, vận động, cộng đồng nhân dân lưu giữ, truyền dạy bản sắc văn hóa bản địa, trở thành cầu lối, điểm nhấn cho phát triển du lịch.

Đồng thời bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn. Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn. Tổ chức có hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã du lịch cộng đồng, xây dựng cảnh quan, môi trường, khôi phục sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hiện đại. Thành lập, duy trì các câu lạc bộ thêu thổ cẩm, mây tre đan, truyền dạy chữ viết dân tộc, các câu lạc bộ văn nghệ, nghề gia truyền thuốc tắm người Dao, nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm đồ lưu niệm sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất thành hàng hóa mang tính đặc trưng phục vụ khách du lịch.

Thiện Tâm


Link nội dung: https://saigonmoi24.com/xay-dung-nong-thon-moi-chuyen-bien-tich-cuc-tu-phat-trien-du-lich-nong-thon-a118434.html