Tắt sóng 2G trong giai đoạn "nước rút"
Chiều 11/10, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với báo VietNamNet và Trung tâm Thông tin tổ chức tọa đàm "Tắt sóng 2G trước giờ G" nhằm thảo luận, đề xuất, kiến nghị về việc thực hiện ngừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao sử dụng máy điện thoại 2G sau ngày 15/10/2024.
Trước đây, Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu chậm nhất đến 15/9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Tuy nhiên, ngày 13/9/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành Thông tư số 10 về việc "Ngưng hiệu lực thi hành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03 và điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 04" (Về việc dừng cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM trong thời hạn 1 tháng, từ ngày 16/9/2024 đến hết ngày 15/10/2024).
Lí do Bộ TT&TT tạm ngưng tắt sóng 2G theo Thông tư số 10 là để đảm bảo nhu cầu thông tin trong thời gian cần thiết, để doanh nghiệp và người dân kịp thời khắc phục thiệt hại cơn bão số 3. Đây là cơn bão lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề cho các nhà mạng và ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của khách hàng.
Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone; các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dùng chuyển đổi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Hiện nay, trong giai đoạn "nước rút" các nhà mạng đã và đang triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi các thuê bao 2G Only còn lại trên mạng để tiến tới mục tiêu tắt sóng 2G vào ngày 15/10/2024.
Cho đến thời điểm này, chỉ còn khoảng hơn 700 nghìn thuê bao 2G Only, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương và các nhà mạng để thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G.
Các nhà mạng vào cuộc tích cực
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Tính - Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, đến ngày 10/10 trên mạng Viettel chỉ còn 360.000 thuê bao 2G Only.
Dự kiến đến ngày 15/10, Viettel sẽ chỉ còn dưới 100.000 thuê bao 2G, tính cả các thuê bao 2G ở khu vực các đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Nhà giàn DK1.
Theo ông Tính, tập thuê bao còn lại đa số ở nông thôn, miền núi, vùng xa xôi, nơi khó khăn nhất. Đối tượng khách hàng thường là người già, những người ít có nhu cầu sử dụng.
Thời gian gần đây, gần như mọi đối tượng đều được Viettel hỗ trợ máy 100% theo chính sách của Viettel. Trong tháng 9, tháng 10, số lượng khách hàng ra cửa hàng để chuyển đổi rất hiếm.
"Chúng tôi phải đi trực tiếp đến tận nơi giúp khách hàng chuyển đổi. Với những kết quả này, mặc dù chưa đạt mục tiêu đặt ra là đưa thuê bao 2G Only về 0. Nhưng nếu đạt được dưới 100.000 thuê bao 2G Only đến 15/10, chúng tôi đánh giá là đạt mục tiêu và hài lòng với kết quả này", ông Tính nói.
Ông Đỗ Mạnh Dũng- Quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone cho biết, đến sáng 11/10, trên toàn mạng lưới VNPT chỉ còn khoảng 150.000 thuê bao 2G Only.
Theo ông Dũng, thời gian qua VNPT đã nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT. Tháng 9 vừa qua là giai đoạn rất khó khăn bởi hiều tỉnh thành phố khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lụt.
Với các khu vực đó, VNPT vừa phải đảm bảo khôi phục cơ sở hạ tầng, đảm bảo chất lượng dịch vụ, hỗ trợ thông tin liên lạc cho các cấp chính quyền chỉ đạo điều hành công tác phòng chống lụt bão, vừa phải thực hiện các hoạt động hỗ trợ đổi máy cho khách hàng.
"Dự kiến, trong 4 ngày tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục huy động toàn động nhân viên trên toàn quốc để hỗ trợ chuyển đổi máy cho khách hàng, kể cả ở khu vực vùng sâu vùng xa, sẽ bố trí nhân lực phục vụ trực tiếp. Với mục tiêu qua ngày 15/10 chỉ còn dưới 100.000 thuê bao 2G", ông Dũng thông tin.
VNPT quyết tâm sau thời điểm đó tiếp tục thực hiện các hoạt động đổi máy, hỗ trợ, đảm bảo 100% khách hàng có thể sử dụng dịch vụ trơn tru sau 15/10.
Theo ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Ban Dịch vụ Viễn thông MobiFone, đến 11/10, MobiFone còn 47.919 thuê bao 2G Only. Nếu tính theo tiêu chí không sử dụng thiết bị 2G trong 30 ngày, ARPU dưới 5.000 đồng, chỉ còn khoảng 20.000 thuê bao.
Với tiến độ như vậy, sau 1 tuần nữa, lượng thuê bao 2G Only của MobiFone chỉ còn khoảng 10.000.
Để đạt kết quả này, MobiFone đã triển khai nhiều chương trình, trong đó có việc hỗ trợ đổi máy, tặng máy Feature Phone 4G cho khách hàng. Số lượng từ ngày 1/9 đến 10/10 là 20.000 máy. Trong đó có 7.000 người được tặng máy 100% giá trị.
Đánh giá về những kết quả mà các nhà mạng đã làm trong thời gian vừa qua để chuyển dịch khách hàng từ 2G lên 4G, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, từ góc độ cơ quan quản lý viễn thông, ông nhận thấy đây là kết quả thực sự ấn tượng, là sự nỗ lực quyết tâm lớn của các doanh nghiệp.
Nhìn lại vào tháng 1/2024, toàn mạng có hơn 18 triệu thuê bao 2G. Đến giờ chỉ còn hơn 700 nghìn máy. Đây là nỗ lực vô cùng lớn khi chúng ta vừa giữ chất lượng mạng lưới, phát triển mạng 5G cũng như duy trì sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đã cho thấy trách nhiệm trong việc giảm số lượng thuê bao 2G.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp (các doanh nghiệp càng nhiều thuê bao vùng sâu vùng xa thì càng vất vả), còn là sự vào cuộc của cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình đồng hành truyền thông chính sách của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Cùng với đó là sự vào cuộc của Sở Thông tin Truyền thông, tổ công nghệ số cộng đồng, đội ngũ nhân viên phát triển thị trường của các doanh nghiệp viễn thông - những người phải đến gặp trực tiếp khách hàng (vùng sâu, xa, biên giới hải đảo) để người sử dụng hiểu được mục tiêu, lợi ích của nhà cung cấp dịch vụ, cũng như mục tiêu của cơ quan quản lý Nhà nước.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/truoc-gio-tat-song-con-hon-700000-thue-bao-2g-a118224.html