Việt Nam vừa thu về 1,5 tỷ USD từ xuất khẩu cá tra

Trong 9 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, các thị trường chính gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, Brazil… Dù vậy, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu, giá vật tư, thức ăn tăng.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Bàn giải pháp phát triển giống cá tra ứng phó biến đổi khí hậu, rào cản thương mại quốc tế, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức n gày 11/10.

Việt Nam vừa thu về 1,5 tỷ USD từ xuất khẩu cá tra- Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị.

Bộ NN&PTNT cho hay, kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng năm nay đạt 1,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, sang các thị trường chính gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, Brazil…

Hiện, giá cá tra nguyên liệu loại 1 từ 27.000 - 28.000 đồng/kg, tăng khoảng 500 - 1.000 đồng/kg so với tháng 8 và cao hơn khoảng 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023. Cá tra giống loại 30 con/kg giá 26.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng 8, và thấp hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Cả nước hiện có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ. Có 76 cơ sở sản xuất giống thương phẩm, 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra giống (từ cá bột lên cá giống).

Việt Nam vừa thu về 1,5 tỷ USD từ xuất khẩu cá tra- Ảnh 2.

Công nhân cho cá tra ăn tại Đồng Tháp. Ảnh: Hòa Hội

Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT đánh giá, năm 2023 và 9 tháng năm nay, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu, giá vật tư, thức ăn tăng. Suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại nhiều nước xuất khẩu, dẫn đến giá bán cá tra nguyên liệu giảm, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Thủy sản - cho biết, để con cá tra đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu , khâu đầu tiên yêu cầu phải có nguồn giống sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng NN&PTNT - cho biết, các địa phương phải quản lý chặt từ cơ sở sản xuất giống. Các cơ sở sản xuất giống cá tra trên địa bàn nào đủ điều kiện cơ quan cấp giấy chứng nhận, nếu không đủ điều kiện tuyệt đối không cấp giấy phép và có biện pháp xử lý nghiêm... để có con cá tra hoàn hảo, đạt chất lượng, sạch bệnh từ ao nuôi đến xuất khẩu. C on giống tốt sẽ quyết định năng suất và chất lượng. Do đó, cần giảm sử dụng chất cấm và kháng sinh trong ao nuôi, tăng cường phòng bệnh trên đàn cá tra bằng tiêm phòng vacxin phòng bệnh.

Việt Nam vừa thu về 1,5 tỷ USD từ xuất khẩu cá tra- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Cũng theo ông Tiến, c ần đầu tư cơ sở hạ tầng một cách bài bản cho các vùng ương nuôi cá giống và thương phẩm. Thực hiện tốt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng, ổn định cung - cầu, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi. Từ đó, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, cá tra là ngành hàng chủ lực của địa phương, hằng năm thu về hàng tỷ USD, địa phương cũng đứng đầu cả nước về sản lượng cá tra xuất khẩu.

Ước 9 tháng năm nay, sản lượng cá tra thu hoạch tại Đồng Tháp hơn 485.700 tấn, đạt gần 90% kế hoạch năm; ước diện tích thả nuôi cá tra 2.630ha, sản lượng đạt 540.000 tấn.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 52 cơ sở nuôi sinh sản cá tra bột, với số lượng đàn cá bố, mẹ khoảng 150.000 con; sản lượng cung ứng hằng năm ra thị trường khoảng 18 tỷ con cá tra bột; có 850 cơ sở ương dưỡng cá tra giống, với diện tích khoảng 800ha, hằng năm cung cấp khoảng 1,3 tỷ con cá tra giống.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/viet-nam-vua-thu-ve-15-ty-usd-tu-xuat-khau-ca-tra-a118218.html