Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (1979-2024)

Sáng 11/10 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (số 1 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, TP.HCM) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Bảo tàng (1979-2024) đồng thời trao Quyết định xếp hạng 1 cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện hướng đến việc thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo tàng và đẩy mạnh việc học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác Hồ.

Trao Quyết định xếp hạng 1 cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh

Trước đó, ngày 02 tháng 4 năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 895/QĐ-BVHTTDL công nhận Bảo tàng Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng 1 trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.

Cụ thể, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã đáp ứng tiêu chuẩn xếp hạng 1 bảo tàng theo quy định của Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (gọi tắt là Nghị định số 98/2010/NĐ-CP) bao gồm các tiêu chí:

I. Có đủ tài liệu, hiện vật trưng bày phù hợp với đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng, trong đó có ít nhất 5 sưu tập tài liệu, hiện vật quý hiếm; từ đủ 90% tổng số tài liệu, hiện vật trở lên đã được kiểm kê khoa học.

2. 100% tổng số tài liệu, hiện vật được bảo quản định kỳ, bảo quản phòng ngừa và có thực hành bảo  quản trị liệu.

3. Có trưng bày thường trực và hàng năm đều có ít nhất 3 trung bày chuyên đề, thường xuyên mở cửa trưng bày phục vụ công chúng.

4. Có công trình kiến trúc bền vững và hạ tầng kỹ thuật phù hợp, bảo đảm cho việc bảo quản, trưng bày tài liệu hiện vật theo quy định và các hoạt động thường xuyên khác của bảo tàng.

5. 100% số công chức, viên chức, nhân viên trực tiếp làm chuyên môn có trình độ đại học phù hợp với đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng.

nha-rong-ht-large-1728623770.jpg
Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh

Dự án “Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh".

Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận Dự án “Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh” từ Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh; Công ty Cổ phần Meta Art và Tạp chí Vietnam Travel. Dự án góp phần đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng, bước đầu thự hiện có hiệu quả trong công tác chuyển đổi số của bảo tàng nói riêng và trong hoạt động chuyển đổi số của TP nói chung.

Khai mạc chuyên đề: "Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi".

Cũng tại Lễ trao Quyết định xếp hạng 1 cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Chuyên đề "Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi" đã giới thiệu 39 hiện vật là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Hồ Chí Mình - chỉ nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

80fd09095523ec7db532-1728623770.jpg
Hình ảnh tại buổiLễ kỷ niệm 45 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (1979-2024)

Trong đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đem đến 20 tác phẩm hội họa, điêu khắc của 21 nghệ sĩ tạo hình trong nước và Thừa Thiên Huế, trong đó có 02 tác giả là người nước ngoài với nhiều chất liệu phong phú. Tiêu biểu là Tác phẩm tranh cổ động “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” ra đời vào năm 1970 của hai họa sĩ nổi tiếng Việt Nam là họa sĩ Nguyễn Thụ và họa sĩ Huy Oánh. Bức Chân dung “Chủ tịch Hồ Chí Minh họa trên máy đánh chữ” của ông Ngô Mạnh Tiên được ông sáng tác từ sau năm 1975. Nhiều tác giả là những họa sĩ có nhiều tác phẩm về đề tài Bác Hồ trong sự nghiệp sáng tác của mình như họa sĩ, TS. Phan Thanh Bình; họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa; họa sĩ Võ Quang Phát; họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên, họa sĩ Lê Phan Quốc...

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu 17 hiện vật vô cùng độc đáo từ chất liệu đến hình thức thể hiện như: sơn dầu, vẽ ngược kính; đá quý; nhựa; da; cát; tóc; gạo; inox; dây điện thoại; đá hoa cương..., có tác giả là họa sĩ tên tuổi với nhiều sáng tác về Bác Hồ như họa sĩ Hoàng Hoa Mai; nhiều tác giả là nghệ nhân dân gian, như nghệ nhân Ý Lan, người khai sinh ra dòng tranh cát; tác giả Đinh Gia Diên sáng tác với đá quý, tác giả Đỗ Đình Cường với chất liệu hạt nút và vật liệu may; có những tác phẩm được lấy từ nguyên mẫu các bức ảnh lịch sử nhưng cũng có tác phẩm hình thành trong trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ. Các tác giả đã thể hiện không chi chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình tượng của Người gắn với các sự kiện lịch sử mà tái hiện hình ảnh các di tích, địa điểm, công trình tưởng niệm liên quan đến Người... Mỗi tác phẩm trong không gian trưng bày "Hồ Chí Minh Tên Người sáng mãi" thể hiện được sự tìm tòi, khám phá về chất liệu, kỹ thuật, bút pháp công phu của các tác giả, cũng như tính biểu đạt nghệ thuật về đặc điểm, thần thái của chân dung lãnh tụ.

Trưng bày "Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi" là tình cảm, là tấm lòng của quần chúng nhân dân, các nghệ sĩ tạo hình thuộc nhiều thế hệ tri ân sâu sắc những công lao, cống hiến vĩ đại của Người. Chúng tôi mong rằng cảm xúc mà các tác phẩm nghệ thuật mang đến cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ giúp công chúng cảm nhận sâu sắc hơn về cốt cách, bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua sáng tạo nghệ thuật. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Hoàng Diệu

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/le-ky-niem-45-nam-thanh-lap-bao-tang-ho-chi-minh-chi-nhanh-thanh-pho-ho-chi-minh-1979-2024-a118170.html