TPHCM: Nhiều hồ sơ giao dịch BĐS vẫn bị Chi cục Thuế trả lại, do nghi ngờ kê khai giá trị giao dịch thấp hơn thực tế dù đã có đủ giấy tờ chứng minh giá bán thực

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, hiện vẫn tồn tại tình trạng các cá nhân và hộ gia đình khi nộp hồ sơ thuế bị Chi cục Thuế trả lại do nghi ngờ kê khai giá trị giao dịch thấp hơn thực tế. Tuy nhiên, sự nghi ngờ này chưa hoàn toàn phù hợp, vì có thể bên bán có nhu cầu bán gấp nên chấp nhận giá rẻ hơn, hoặc bên mua sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường.

Tại Toạ đàm "Nhận diện thị trường bất động sản cuối năm 2024, đầu năm 2025" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng ngày 10/10, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá, thị trường bất động sản tại TP.HCM vẫn đang nằm trong vùng "tối" và "xám".

Tuy nhiên, vừa qua thị trường đã đón nhận một số tín hiệu tích cực khi Cục Thuế TP.HCM đã giải quyết xong 15.000 hồ sơ tồn đọng của các cá nhân và hộ gia đình. Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng đang nỗ lực xử lý các hồ sơ phát sinh mới.

TPHCM: Nhiều hồ sơ giao dịch BĐS vẫn bị Chi cục Thuế trả lại, do nghi ngờ kê khai giá trị giao dịch thấp hơn thực tế dù đã có đủ giấy tờ chứng minh giá bán thực- Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM

Song, hiện vẫn tồn tại tình trạng các cá nhân và hộ gia đình khi nộp hồ sơ thuế thường bị Chi cục Thuế trả lại do nghi ngờ kê khai giá trị giao dịch thấp hơn thực tế. Sự nghi ngờ này chưa hoàn toàn phù hợp, vì trong nhiều trường hợp, bên bán có nhu cầu bán gấp nên chấp nhận giá rẻ hơn, hoặc bên mua sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường. Các bên giao dịch đã cung cấp đầy đủ chứng từ để chứng minh nhưng vẫn bị nghi ngờ. Do đó, cần có sự xem xét kỹ lưỡng hơn từ Cục Thuế TP.HCM để hỗ trợ người dân một cách hiệu quả hơn.

Tin vui thứ hai là Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 115 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong đó, một điểm mới quan trọng là việc sửa đổi quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư không còn bắt buộc phải quy hoạch theo tỷ lệ 1/500. Hiện nay, khoản 3 Điều 68 của Nghị định đã giải quyết vấn đề này.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa vào dự thảo sửa đổi bốn luật nằm trong phạm vi quản lý, bao gồm Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đối tác Công tư (PPP). Nghị định 115 cũng bổ sung sửa đổi điểm a, khoản 3, Điều 33 của Luật Đầu tư 2020 nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Riêng Nghị quyết 98 của Quốc hội hiện chỉ giải quyết việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với nhà ở xã hội tại TP.HCM, trong khi các dự án nhà ở thương mại vẫn chưa được hỗ trợ. Tuy nhiên, Nghị định 115 đã sửa đổi toàn diện và áp dụng cho cả nước, phần nào tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tin vui thứ ba là số lượng các dự án gặp vướng mắc tại TP.HCM ban đầu là hơn 148 dự án nhưng đến nay thành phố đã giải quyết được khoảng một phần ba số lượng dự án này ở các cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, đã có những dự án được phép huy động vốn lên đến 50%. Mặc dù đây chưa phải là giải pháp triệt để, nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tphcm-nhieu-ho-so-giao-dich-bds-van-bi-chi-cuc-thue-tra-lai-do-nghi-ngo-ke-khai-gia-tri-giao-dich-thap-hon-thuc-te-du-da-co-du-giay-to-chung-minh-gia-ban-thuc-a118093.html