Hoạt động lấn biển kích hoạt tiềm năng kinh tế, tạo ra nhiều công trình biểu tượng

Theo TS. Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lấn biển là hoạt động tất yếu để thúc đẩy kinh tế biển, giúp khai thác hết tiềm năng, lợi thế về biển đảo và tạo ra những công trình ghi dấu ấn.

Hoạt động lấn biển kích hoạt tiềm năng kinh tế, tạo ra nhiều công trình biểu tượng- Ảnh 1.

TS. Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Nhiều công trình lấn biển đã trở thành biểu tượng

Trên thế giới, để tận dụng không gian biển, nhiều nước đã phát triển các dự án đảo nhân tạo, đô thị "nổi trên biển" gắn với cảng biển, sân bay... nhưng tại Việt Nam, dự án lấn biển chưa nhiều. Ông có thể chia sẻ quan điểm và hướng tiếp cận về các dự án lấn biển tại Việt Nam để phát huy lợi thế nguồn tài nguyên này không?

Nếu trước kia lấn biển là để mở mang quỹ đất thì gần đây người ta lấn biển để phục vụ các công trình lớn như cảng nổi, đảo nổi, hoặc kết hợp với nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng thành công chuỗi đảo nhân tạo hoặc một số điểm đảo nhân tạo.

Hàn Quốc và Nhật Bản đã rất thành công với những dự án hạ tầng trên biển. Gần chúng ta, Thái Lan hay Indonesia, Brunei, Philippines… đã có những thành phố hay khu đô thị du lịch lấn biển và đảo cực kỳ nổi tiếng. Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm đến dự án cảng nổi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu trên thế giới, các nước đã đi trước và đã thành công, thì việc mở mang hoạt động kinh tế biển tại Việt Nam nói chung và hoạt động lấn biển ở vùng gần bờ hoặc trên các đảo nhân tạo nói riêng dần dần sẽ trở thành hoạt động kinh tế bình thường. Hoạt động lấn biển không chỉ nhằm thúc đẩy du lịch, mở mang không gian sinh tồn cho những cư dân ven biển mà còn tạo động lực phát triển nhiều ngành nghề mới như sản xuất năng lượng, sân bay, bến cảng...

Khi quy hoạch xây dựng các đảo nhân tạo hay những khu vực biển mới thì phải tính đến đa mục tiêu. Lấn biển nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực môi trường biển. Khu vực mới hình thành do lấn biển phải không phát sinh khí thải, chất thải rắn, nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Có quan điểm cho rằng lấn biển sẽ làm mất đi môi trường tự nhiên và gây tác động tiêu cực tới môi trường biển. Ông nghĩ gì về điều này?

Hoạt động lấn biển kích hoạt tiềm năng kinh tế, tạo ra nhiều công trình biểu tượng- Ảnh 2.

Đảo Cây Cọ Palm Jumeirah tại Dubai được mệnh danh là kỳ quan thứ tám của thế giới.

Dù ở đất liền hay trên biển đều có những đất vùng mang giá trị cao về mặt sinh học, sinh thái và những giá trị đặc biệt khác. Nếu trên đất liền chúng ta có các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, thì ở dưới biển cũng có những khu bảo tồn biển, khu bảo vệ san hô... Những khu vực có giá trị sinh thái đặc biệt đều được khoanh vùng và bảo vệ đặc biệt. Khu vực thuộc vùng lõi sẽ không cho phép phát triển kinh tế trong đó có lấn biển. Hoạt động kinh tế chỉ diễn ra ở vùng đệm hoặc vùng chuyển tiếp.

Với những khu vực không có giá trị sinh thái cao, chưa đưa vào các khu bảo vệ, quy hoạch sử dụng đất hoặc là quy hoạch không gian biển thì việc phát triển hoạt động mới, bao gồm hoạt động lấn biển hay làm đảo nhân tạo, là hoàn toàn bình thường. Bởi vì khi xây dựng dự án hay nghiên cứu đánh giá tiền khả thi thì đều phải trải qua các bước đánh giá các tác động môi trường, tác động sinh thái; đi qua rất nhiều bộ ngành. Chỉ khi nào khu vực đó đảm bảo tuân thủ quy chế bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái thì mới được cân nhắc xem xét.

Những quy định này đều có trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo rất rõ nét. Nên nếu nói rằng hễ cứ lấn biển là tác động xấu đến môi trường thì không đúng. Bởi vì chúng ta không thể không phát triển kinh tế, nên phải tính toán đến sự hài hòa. Do vậy, khu vực nào không thuộc phạm vi vùng lõi di sản, không thuộc khu vực lõi phải bảo tồn và pháp luật cho phép phát triển kinh tế thì hoàn toàn có thể tiến hành hoạt động lấn biển được.

"Bệ đỡ" vững chắc cho hoạt động lấn biển

Để hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc về biển vào năm 2045, Việt Nam đang rất quan tâm phát triển kinh tế biển. Trong đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế là rất quan trọng. Việc này đang được thực hiện như thế nào? 

Nếu như trên đất liền, chúng ta có các Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch tỉnh/thành, quy hoạch về chuyên ngành (như quy hoạch đất quốc phòng, quy hoạch đất giao thông, quy hoạch đất xây dựng…) thì trên biển cũng cần những bản quy hoạch tương tự như vậy. Các nước có biển đều thực hiện "Quy hoạch không gian biển quốc gia", đặc biệt các vùng biển nông, gần bờ. Họ tính toán khai thác rất khoa học các vùng biển nông (có độ sâu dưới 50m) và trong phạm vi khoảng cách từ bờ ra xa khoảng 50 km.

Hiện, Nghị quyết số 139/2024/QH15 ngày 28/6/2024 của Quốc hội về quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động kinh tế biển, căn cứ để xây dựng những dự án hay các hoạt động phát triển như du lịch, khai thác năng lượng, khai thác thủy sản, xây dựng công trình cảng biển, lấn biển làm đảo nhân tạo phục vụ các hoạt động kinh tế cũng như an ninh quốc phòng.

Luật Đất đai 2024 và Nghị định 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành ngày 30/7/2024 đã mở ra hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động lấn biển. Điều này sẽ tác động thế nào đến hoạt động lấn biển tại Việt Nam, thưa ông?

Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, để hoạt động lấn biển có hành lang pháp lý chuẩn mực. Từ đó, tạo ra không gian thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo nên những công trình đa mục tiêu, đa mục đích, vừa bảo vệ an ninh quốc phòng, vừa sản xuất kinh doanh các lĩnh vực như hàng hải, chế biến thủy sản, năng lượng, dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái biển...

Hiện nay, quy hoạch không gian biển tạo hành lang pháp lý cho các khu vực đô thị hoặc khu vực ven biển có thể mở rộng không gian, đặc biệt bằng hình thức lấn biển hoặc xây dựng những hòn đảo nhân tạo gần bờ, tạo thêm không gian đất đai, không gian cảnh quan mới phục vụ hoạt động kinh tế mới. Có thể kể đến như các hoạt động xây dựng công trình nghỉ dưỡng, khách sạn, vui chơi giải trí hoặc những sân bay, bến cảng, nhà máy, cơ sở công nghiệp chế biến thủy hải sản, năng lượng, nhà máy nước ngọt... phục vụ cho các hoạt động kinh tế, an sinh ở ven bờ và kể cả các vùng đảo.

Hoạt động lấn biển kích hoạt tiềm năng kinh tế, tạo ra nhiều công trình biểu tượng- Ảnh 3.

Khu du lịch đảo Tuần Châu tại Hạ Long là một trong những dự án lấn biển được triển khai sớm nhất tại Việt Nam.

Du lịch biển đã được đặt lên vị thế cao hơn

Thưa ông, để phát huy lợi thế biển đảo của Việt Nam, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc quy hoạch không gian biển phục vụ phát triển du lịch, đô thị biển cần được triển khai như thế nào?

Từ trước đến nay, ngành kinh tế hàng hải nói chung vẫn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế của chúng ta. Tuy nhiên Nghị quyết 36 đã đưa du lịch biển lên vị trí số một, khác với trước đây là ngành hàng hải. Đây là điểm mới.

Chiều dài bờ biển của chúng ta là hơn 3.000 km với gần 4.000 hòn đảo. Như vậy sẽ có nhiều vị trí phù hợp có thể mở rộng thêm bằng việc lấn biển. Đặc biệt, các đảo ven bờ và đảo xa bờ của chúng ta hiện nay còn được khai thác rất ít.

Muốn phát triển ngành du lịch biển thì phải tạo dựng hạ tầng cơ sở ở ven biển hoặc trên đảo, các bến cảng phục vụ du lịch, các hệ thống hạ tầng như khu vui chơi giải trí, khu du thuyền, các hoạt động đua thuyền, đua tàu, lướt sóng, ngắm lặn biển, tắm biển, chữa bệnh dựa vào cảnh quan của biển... Thậm chí, với công nghệ xây dựng mới, chúng ta có thể khai thác, tạo dựng các bãi biển nhân tạo, đó là những nơi giàu tiềm năng về mặt bằng, không gian cho việc phát triển du lịch.

Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia trong việc kiến tạo hạ tầng du lịch biển, vì họ cũng có những điều kiện về thiên nhiên, khí hậu khá giống Việt Nam.

Hoạt động lấn biển kích hoạt tiềm năng kinh tế, tạo ra nhiều công trình biểu tượng- Ảnh 4.

Khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands tại Singapore được xây dựng từ lấn biển.

Các quy định về lấn biển sau khi được luật hóa sẽ tác động thế nào đến hoạt động kinh tế trên biển sắp tới đây, thưa ông?

Đây là căn cứ pháp lý quan trọng, là cơ sở để các địa phương bổ sung vào quy hoạch khai thác, sử dụng vùng bờ hoặc quy hoạch không gian biển của tỉnh mình. Chắc chắn trong quy hoạch không gian phát triển của các tỉnh sẽ được bổ sung chi tiết dự án lấn biển, vì trong quy hoạch tổng thể không gian biển quốc gia thì không chi tiết đến những vùng sát bờ.

Các tỉnh giàu kinh nghiệm lấn biển thành công nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như Rạch Giá, Kiên Giang. Nếu như tỉnh nào cũng quan tâm đến hoạt động phát triển kinh tế biển bằng việc lấn biển thì tôi nghĩ sẽ không chỉ tạo nên không gian mới mà còn tạo ra hành lang bảo vệ bờ biển mới.

Về lâu dài, để ứng phó với biến đổi khí hậu, việc tạo dựng không gian lấn biển từ bờ, kể cả các đảo ở cách bờ một chút, là những hoạt động nên tính đến. Với một công trình đa mục tiêu, vừa bảo vệ an ninh quốc phòng, vừa làm du lịch, sản xuất, vừa làm hành lang phòng, chống thiên tai thì rất tốt. Trong 5-10 năm tới khi kinh tế phát triển, chắc chắn các tỉnh ven biển sẽ quan tâm đề xuất những dự án như vậy. Đặc biệt sau khi có Nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Đất đai về hoạt động lấn biển thì tôi nghĩ chắc chắn tỉnh ven biển nào cũng sẽ có những động thái triển khai hoạt động lấn biển.

Hoạt động lấn biển kích hoạt tiềm năng kinh tế, tạo ra nhiều công trình biểu tượng- Ảnh 5.

Khu vực vịnh Đà Nẵng đang được nghiên cứu triển khai dự án lấn biển làm Khu thương mại tự do.

Theo ông, cần chú ý đến điều gì (về công nghệ, về kĩ thuật…) để đảm bảo mục tiêu xây dựng đô thị, phát triển kinh tế mà vẫn hài hòa cảnh quan thiên nhiên, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, đảm bảo phát triển bền vững?

Chúng ta có thể thấy các chuỗi đảo nhân tạo của UAE đã tạo nên những cảnh quan rất đẹp. Với dự án trên các vùng biển, vùng đảo thì khuyến khích các công ty có những bản thiết kế tạo cảnh quan đẹp gắn với lịch sử văn hóa của địa phương, phù hợp với cảnh quan khu vực về màu sắc, độ cao, truyền thống văn hóa của cư dân bản địa, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên...

Với công nghệ hiện đại thì hoàn toàn có thể tạo dựng và thiết lập những công trình điểm nhấn cho địa phương. Tôi hy vọng tất cả những công trình từ bây giờ, sau khi chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường mới, Luật Đất đai, sắp tới là Luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo sửa đổi, đều quan tâm đến yếu tố thân thiện môi trường, không phát thải. Từ đó, phát triển kinh tế biển mới đi đôi với bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển quan trọng.

Xin cảm ơn ông.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/hoat-dong-lan-bien-kich-hoat-tiem-nang-kinh-te-tao-ra-nhieu-cong-trinh-bieu-tuong-a118085.html