Dự án Luật Dữ liệu: Dữ liệu là tài nguyên quốc gia, tài sản cá nhân

(Chinhphu.vn) - Ngày 07/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 13, thẩm tra dự án Luật Dữ liệu.

Dự án Luật Dữ liệu: Dữ liệu là tài nguyên quốc gia, tài sản cá nhân- Ảnh 1.

Cần thống nhất quan điểm hiện nay dữ liệu được coi là nguồn tài nguyên quốc gia, là nguyên liệu cho công cuộc “chuyển đổi số”, đối với cá nhân là tài sản - Ảnh: VGP/LS

Cần thiết, cấp thiết ban hành Luật Dữ liệu

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định có tính định hướng quan trọng về phát triển dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin trong chuyển đổi số ở nước ta.

Quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho công tác nghiệp vụ. Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn… dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống.

Trong khi đó, qua rà soát, tất cả các luật đều không quy định cụ thể, thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu; chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu… Do đó, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết.

Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 67 Điều, quy định về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu; nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu; người làm công tác dữ liệu trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; hợp tác quốc tế về dữ liệu; các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia…

Thẩm tra dự án Luật, đa số Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.

Cần thiết quy định về Trung tâm Dữ liệu quốc gia

Nhiều ý kiến tán thành quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia bởi khi vào triển khai hoạt động sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hội nhập với nền kinh tế số của thế giới.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc quy định Trung tâm dữ liệu quốc gia tại dự thảo Luật rất cần thiết. Theo đại biểu, Trung tâm dữ liệu quốc gia khi đưa vào hoạt động là tiền đề để thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu đều thống nhất quan điểm hiện nay dữ liệu được coi là nguồn tài nguyên quốc gia, là nguyên liệu cho công cuộc “chuyển đổi số”, đối với cá nhân là tài sản. Thực tiễn xã hội đòi hỏi phải chuyển đổi số, do đó rất cần thiết ban hành Luật Dữ liệu để sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước; phục vụ phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu, hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới đây. Tuy nhiên cần bổ sung, làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật.

Cụ thể, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Trần Đức Thuận đề nghị sửa đổi, bổ sung “quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu”. Đồng thời thống nhất về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để xác định nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất phương án xử lý để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới đây.

LS

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Xây dựng Luật Dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hộiXây dựng Luật Dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/du-an-luat-du-lieu-du-lieu-la-tai-nguyen-quoc-gia-tai-san-ca-nhan-a117920.html