TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI cho biết, những kết quả của công nghệ sinh học (CNSH) đã giúp ngành nông nghiệp có nhiều thành tựu đột phá trong 30 năm qua. Trong đó, những công nghệ nổi bật có nuôi cấy mô giúp lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm như ngô, đỗ tương, bông… có năng suất vượt trội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), cải thiện chất lượng đất, môi trường.
Theo thống kê, thế giới có khoảng 200 triệu ha cây trồng biến đổi gen. Tỷ lệ chiếm nhiều nhất là đậu tương, lên tới gần 80% diện tích. Ngoài ra, diện tích trồng ngô cũng tới hơn 25%. Bên cạnh nuôi cấy ngô, CNSH giúp đẩy mạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện CNSH đã phát triển sang công nghệ vi sinh, công nghệ nano, công nghệ tế bào, công nghệ chỉnh sửa gen… giúp ngành nông nghiệp đạt được những đỉnh cao mới. Giới hạn áp dụng CNSH cũng không còn bó buộc trong trồng trọt mà mở ra sang chăn nuôi, thủy sản.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, tại Việt Nam nghiên cứu khoa học công nghệ luôn có độ trễ so với thực tế. Những điều chỉnh hôm nay phải nhiều năm sau mới bắt đầu phát huy tác dụng.
Gần nhất, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị đã xác định, xây dựng CNSH trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng.
Trước mắt, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đề xuất Bộ NN&PTNT tập trung xây dựng, khai thác tối đa, hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm, tập trung vào những công nghệ tế bào, công nghệ nano.
Do nguồn lực còn bị giới hạn, nghiên cứu CNSH nên ưu tiên một số lĩnh vực có khả năng cho ra sản phẩm có giá trị kinh tế. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận định, trong khoảng 5 năm tới, CNSH sẽ tập trung vào kỹ thuật di truyền, bao gồm chỉnh sửa gen, nhân giống vô tính và tái tổ hợp ADN.
Cần bước tiến mới cho CNSH nông nghiệp
Bà Sonny Tababa, Giám đốc CNSH CropLife châu Á đánh giá, cây trồng áp dụng CNSH giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, đảm bảo thu nhập, nhất là tại các vùng chưa đảm bảo về nước tưới, vùng sâu, vùng xa.
Trải qua quá trình 10 năm phát triển công nghệ sinh học, Việt Nam đang trong giai đoạn rực rỡ nhất. Nguyên nhân bởi đây là quãng thời gian đủ dài để các bên liên quan có những quan sát, nghiên cứu cặn kẽ về các thành tựu đã đạt được.
"Công nghệ chỉnh sửa gen đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam", bà Sonny nhìn nhận và khuyến cáo Việt Nam nên có đánh giá tổng thể về hành lang pháp lý, cũng như các giống mới xuất hiện (cả về nông sản lẫn dịch hại) để có một cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại.
Theo đại diện của CropLife, các cơ quan chức năng nên phát huy mạnh mẽ hơn vai trò "mở đường" cho công nghệ sinh học, giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/day-manh-ung-dung-thanh-tuu-cong-nghe-sinh-hoc-trong-nong-nghiep-a117735.html