Trong 70 năm qua, từ thời điểm Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10/10/1954 – 10/10/2024) và qua 50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng bộ TP. Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, thành phố luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Vận dụng sáng tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người tại Thủ đô
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội của Đảng bộ Thành phố, kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ Thành phố đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô.
Đại hội XVII Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội được nâng lên, Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: "Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững".
Đồng thời khẳng định một trong ba Khâu đột phá của nhiệm kỳ này là: "Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô".
Hà Nội có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm trên 5.900 di tích, 1 Di sản văn hóa thế giới; trên 1.790 các di sản văn hóa phi vật thể… Hà Nội là địa phương tập trung nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu, có tiềm lực khoa học công nghệ lớn với nhiều trường đại học, học viện, cao đẳng; là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước, có nhiều trung tâm nghiên cứu, có đội ngũ trí thức và nhà khoa học lớn nhất trong cả nước.
Do đó, để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, Thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo tính trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá.
Nguồn lực cho phát triển văn hóa tăng lên qua từng giai đoạn
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng, Hà Nội tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, có tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ Thành phố đã chủ động, sáng tạo, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ đều xây dựng và ban hành các Chương trình công tác lớn toàn khóa về văn hóa và xây dựng người Hà Nội như: Chương trình 05 (khóa XIII), Chương trình 08 (khóa XIV), Chương trình 04 (Khóa XV, XVI), Chương trình 06 (Khóa XVII).
Thành phố đã không ngừng tổ chức triển khai, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm cho nhiệm vụ phát triển con người bằng nhiều chương trình hành động, kế hoạch, giải pháp. Kết quả đến nay cho thấy, công tác xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô.
Trong đó, tỷ trọng các ngành văn hóa, dịch vụ tăng cao, chiếm khoảng 65% GRDP của Thành phố, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô Hà Nội.
Nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, được quan tâm đầu tư, tăng lên qua từng giai đoạn.
Giai đoạn năm 2016-2020, Thành phố chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với các giai đoạn trước. Giai đoạn, năm 2021-2025 dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách Thành phố; Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 về nâng mức đầu tư 49.200 tỷ đồng, với tổng số 1.469 dự án đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế, trong đó 1.310 dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 (227 dự án Thành phố đầu tư, 1.083 dự án Thành phố hỗ trợ đầu tư) và 159 dự án đầu tư giai đoạn sau năm 2025, tạo đà cho sự phát triển văn hóa và con người Hà Nội.
Do đó, công tác xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, chuẩn mực người Hà Nội văn minh, thanh lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.
Hà Nội đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh
Cũng theo ông Đỗ Đình Hồng, Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Nhiều phong trào thi đua được duy trì và đi vào nền nếp như phong trào "Người tốt, việc tốt", "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng các mô hình Gia đình văn hóa, Thôn (Làng) văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; Cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tổ chức xét chọn và vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú"…
Từ đó, những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy.
Thành phố cũng là địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đưa vào giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh Thủ đô... Với những hướng dẫn vừa khoa học, cụ thể, vừa phù hợp với tình hình thực tế và sự vào cuộc của các các cấp các ngành từ thành phố tới cơ sở, văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
Song song với đó, Hà Nội cũng là địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đã góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn Thành phố.
Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đến nay 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm văn hóa thể thao; 97,5% thôn, làng có nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng, đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Bên cạnh đó, nhiều không gian văn hóa được mở rộng, các không gian sáng tạo, nghệ thuật trở thành địa điểm gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin; hình thành, kết nối ý tưởng sáng tạo của những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng như các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, nổi bật: phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian bích họa Phùng Hưng, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trần Nhân Tông, phố đi bộ Trịnh Công Sơn…
Các không gian văn hóa, không gian sáng tạo, nghệ thuật là điểm sáng về văn hóa - du lịch nổi bật của Thủ đô với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại, các hoạt động hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, trải nghiệm trò chơi sáng tạo,… đã thu hút sự quan tâm, tham gia, đồng thời từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân Thủ đô, cũng như du khách trong và ngoài nước, trong đó đặc biệt là giới trẻ.
Cùng với dự án Luật Thủ đô sửa đổi, hai quy hoạch phát triển Thủ đô điều chỉnh, được thông qua kỳ họp thứ 7 Quốc hội vào tháng 5/2024, có thể khẳng đinh, bằng nhiều cố gắng, nỗ lực sáng tạo, sự nghiệp phát triển, xây dựng con người Thủ đô, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Các hoạt động văn hoá ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hoá ngày càng cao của Nhân dân. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc được phát huy. Con người Hà Nội ngày càng năng động, sáng tạo, tư duy nhạy bén hơn những vẫn giữ được những phẩm chất, những giá trị cốt lõi của nền văn hóa Thăng Long ngàn năm tuổi.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng khẳng định, việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, không tách rời việc nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý Thủ Đô Hà Nội, phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách người Hà Nội văn minh, thanh lịch, gắn với sự phát triển của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, yêu cầu phát triển bền vững đất nước là đòi hỏi rất lớn và là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô thời gian tới.
Gia Huy
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/phat-huy-gia-tri-thanh-lich-van-minh-cua-thang-long-dong-do-ha-noi-a117719.html