Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được thay đổi để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thí sinh thi 4 môn thay vì 6 môn như trước. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, hai môn lựa chọn trong các môn thí sinh được học ở trường là: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ. Tổng cộng, có 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT.
Điều được thí sinh và phụ huynh quan tâm là cách xét tuyển của các đại học như thế nào. Tuy nhiên, hiện hầu hết trường chưa đưa ra phương án cụ thể.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025 muộn nhất vào tháng 11.
Trường Đại học Công thương TP.HCM dự kiến dành tối đa 20% chỉ tiêu để xét điểm học bạ trong mùa tuyển sinh năm 2025, giảm 10% so với năm 2024.
Chia sẻ VTC News về việc giảm chỉ tiêu, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, cho biết, điểm học bạ của các trường cấp 3 công lập và tư thục thường không đều nhau, khoảng cách chênh lệch lớn. "Điều này dẫn đến việc thiếu công bằng trong xét tuyển đầu vào", ông Sơn nói.
Dự kiến năm 2025, trường Đại học Công thương Tp.HCM dành 50-60% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Phần còn lại, trường dự kiến xét bằng điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM và Đại học Sư phạm Tp.HCM.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân từ năm 2024 đã không còn xét tuyển bằng học bạ. Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, quan điểm của nhà trường là giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả THPT trong tuyển sinh.
Dự kiến năm 2025, trường Đại học Kinh tế quốc dân giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024).
Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.
Thách thức đổi mới công tác tuyển sinh
Trước đó, từng chia sẻ với Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, các trường cũng như Bộ đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều đổi mới.
"Trường ĐH cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét. Vì có thực tế thí sinh trúng tuyển sớm sẽ không học nữa; các trường chỉ yên tâm cho số thí sinh sẽ vào trường mình; số còn lại xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp sẽ còn ít chỉ tiêu, đẩy điểm lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Việc này về phía Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau", Bộ trưởng nói. Ông Sơn lưu ý các trường không nên có quá nhiều phương án xét tuyển; càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội.
"Trường đại học được tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Trước vấn đề tuyển sinh như hiện nay, Bộ GD&ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết vào năm sau. Thống kê cho thấy, trường uy tín không lo vì nguồn tuyển dồi dào. Nên không cần chen lấn, xô đẩy. Tự chủ nhưng phải đề cao trách nhiệm xã hội của trường Đại học", ông Sơn nói.
Bộ trưởng cho rằng, các trường phải hướng đến việc đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng về số lượng, chất lượng. Ông cho biết, số học sinh vào lớp 1 năm nay lên tới 1,9 triệu em. Số học sinh bình quân mỗi khối lớp (từ lớp 2 đến lớp 11) là khoảng 1,63 triệu em, trong khi số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua là khoảng 1,1 triệu.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tu-nam-2025-nhieu-truong-dai-hoc-du-kien-giam-bo-xet-tuyen-hoc-ba-a117485.html