Báo cáo tại phiên họp về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Theo đó, đối với 66 nội dung chậm chưa ban hành văn bản, có 09 nội dung được các Bộ giải trình là đã có văn bản điều chỉnh; 23 nội dung đã được Chính phủ, các Bộ trưởng ban hành văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; các nội dung còn lại, các bộ đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ văn bản để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Đối với 08 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan ban hành văn bản khẩn trương nghiên cứu phương án xử lý. Hiện có những nội dung đã, đang được Chính phủ báo cáo Quốc hội xử lý tại các luật (Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế...)
Về kết quả xây dựng, trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, tại các phiên họp chính phủ từ tháng 10/2023 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 24 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết và 21 dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Quốc hội thông qua 26 dự án luật, nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 09 dự án luật. Đặc biệt, trong năm 2023 và 2024 không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong chương trình.
Về kết quả xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết, tính từ ngày 01/10/2023 đến ngày 24/9/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 262 văn bản (100 nghị định, 13 quyết định và 149 thông tư) quy định chi tiết. Trong số này có 129 văn bản phải được ban hành để quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và 133 văn bản được ban hành để quy định chi tiết các luật, nghị quyết, nội dung giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Có thể thấy, nhiệm vụ ban hành văn bản quy định chi tiết năm nay so với cùng kỳ các năm trước tăng lên rất nhiều.
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) để thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, phổ biến dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn; thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về tầm quan trọng của việc phổ biến, quán triệt các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được ban hành.
Bên cạnh việc áp dụng hình thức truyền thống, điểm mới trong công tác PBGDPL thời gian này là đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giúp Nhân dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, rộng rãi nội dung các văn bản.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với những kết quả đạt được trong công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được nêu trong Báo cáo của Chính phủ; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nghiêm túc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương để đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.
Cùng với những kết quả đạt được, các ý kiến cũng chỉ ra một số hạn chế trong thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua như: tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật; việc xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật đã được Bộ Tư pháp kết luận, kiến nghị xử lý trong kỳ báo cáo còn chậm; công tác PBGDPL tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa được triển khai kịp thời, còn chờ hướng dẫn của cấp trên...
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp thẩm tra để hoàn thiện báo cáo. Đồng thời, Thứ trưởng cũng làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan tại phiên họp.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, phiên họp thẩm tra sơ bộ đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với nhiều ý kiến sâu sắc, toàn diện.
Báo cáo của Chính phủ đã cơ bản bám sát đề cương; nội dung thông tin, số liệu đầy đủ, kèm Phụ lục chi tiết... phản ánh cơ bản toàn diện bức tranh tổng thể tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Đồng thời làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu trong công tác hoàn thiện thể chế; phân tích và chỉ rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực thực hiện.
LS
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tiep-tuc-hoan-thien-the-che-trien-khai-thi-hanh-phap-luat-co-hieu-qua-a117469.html