Một sớm đầu tháng 10/2023, sau khi bão số 3 đổ bộ hơn 20 ngày, chúng tôi có dịp trở lại Vườn quốc gia Cát Bà ở Quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng. Những vạt rừng dọc tuyến đường vào Trung tâm Vườn bị gãy đổ do bão, màu xanh của những mầm non mơn mởn đang nhú tạo sự tin tưởng, rằng rừng xanh sẽ sớm hồi sinh.
Trò chuyện với khách trong căn phòng nhỏ có cửa sổ nhìn ra cánh rừng trải dài ngút tầm mắt, ông Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, kể lại, bão số 3 quét qua khiến nhiều vạt rừng, nhất là những khu vực vách núi đá vôi, ngả nghiêng. Hơn 20 ngày sau khi bão qua, công tác thống kê vẫn đang được khẩn trương thực hiện.
Theo ông Phúc, các tuyến đường tuần rừng ở Vườn quốc gia Cát Bà rất hiểm trở, khó đi. Trong khi, diện tích Vườn lại rất rộng lớn (17.362 ha). Điều này gây khó khăn cho công tác thống kê thiệt hại.
Ra công tác tại Vườn quốc gia Cát Bà đã được 31 năm 4 tháng, chưa bao giờ, ông Phạm Văn Phúc chứng kiến thiên tai khủng khiếp ảnh hưởng nặng nề với rừng đến vậy.
"Cách đây 15 năm, tôi trực tiếp chứng kiến cháy hơn 1ha rừng tại khu vực Tùng Gấu. "Bà hỏa" thiêu rụi thảm thực vật. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm, trừ những cây gỗ lớn, các cây bụi, cây nhỏ kịp sinh trưởng, phát triển thay thế cánh rừng bị cháy. Vì thế, chúng tôi tin tưởng, chỉ 1 - 2 năm nữa, những vạt rừng bị gãy đổ sẽ lấy lại màu xanh", ông Phúc chia sẻ với đôi mắt hiện rõ sự tin tưởng.
Rời trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà, chúng tôi tìm đến Trạm kiểm lâm Việt Hải (trực thuộc Vườn), gặp anh Vũ Văn Duy - Cán bộ Kiểm lâm phụ trách Trạm, giữa lúc mọi người đang sửa lại phần mái bị gió bão thổi tả tơi.
"Sau bão đến nay, ngoài thời gian tuần rừng và rà soát, đánh giá, thống kê thiệt hại, anh em trong Trạm tranh thủ gia cố, sửa chữa nơi ăn, chốn ở. Khi bão đổ bộ, anh em trong Trạm phải vào trú nhờ tại xã Việt Hải. Sau bão, khi trở lại Trạm, ai cũng buồn vì thiệt hại của bão.
Càng buồn hơn nữa khi nhiều vạt rừng bị tổn hại. Lớp thảm thực và cây bụi chỉ cần 1 - 2 năm có thể hồi sinh, còn những cây gỗ lớn, phải mất hàng chục năm", anh Vũ Văn Duy chia sẻ với tâm trạng nặng trĩu.
Bão số 3 cũng khiến tuyến đường bộ từ Trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà ra xã đảo Việt Hải hoàn toàn bị tắc nghẽn do cây đổ. Đến nay, công tác khắc phục sự cố tuyến đường xuyên rừng này vẫn đang được khẩn trương thực hiện.
"Rất nhiều khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài, lựa chọn tuyến đường bộ hơn 9km xuyên rừng để đến xã đảo Việt Hải thay vì ngồi xuồng cao tốc, tàu du lịch. Sau bão đến nay, nhiều khách du lịch quốc tế trở lại Khu du lịch Cát Bà tỏ ra tiếc nuối vì chưa có dịp trải nghiệm tuyến đường này", anh Nguyễn Thành Trung - Giám đốc một công ty lữ hành đóng tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng, tâm sự với phóng viên.
Theo ông Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, đối với những cánh rừng bị thiệt hại do bão, nguy cơ lớn nhất hiện nay là cháy rừng. Bởi, những cành, thân cây bị gãy đổ do bão rất dễ bắt lửa trong điều kiện hiện tại mùa khô.
"Cùng với khẩn trương thống kê thiệt hại, Ban Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà yêu cầu toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động, nhất là lực lượng kiểm lâm ở 12 trạm (gần 60 người), tăng cường tuần tra, kiểm soát không để xảy ra cháy rừng.
Nếu bảo vệ tốt, những cây bị gãy đổ sẽ hoai mục tạo chất dinh dưỡng giúp rừng hồi sinh. Chúng tôi tin tưởng, chẳng bao lâu nữa, màu xanh bạt ngàn sẽ trở lại với Vườn quốc gia Cát Bà", ông Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, thông tin.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/canh-gac-cho-rung-hoi-sinh-o-vuon-quoc-gia-cat-ba-a117387.html