"Thuốc mới, kỹ thuật cao rất đắt tiền"
Ung thư luôn là thách thức và là gánh nặng của hệ thống y tế trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo ước tính của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2022 Việt Nam có đến hơn 180.000 ca mới mắc và khoảng hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.
Mỗi năm tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong, trong đó bệnh ung thư là nguyên nhân đứng thứ hai.
Ở nước ta, ung thư đại trực tràng nằm trong số 4 bệnh ung thư thường gặp. Bệnh đang có xu hướng gia tăng, theo thống kê GLOBOCAN, số ca mắc mới 16.800 và khoảng 8.400 ca tử vong hàng năm.
Bên cạnh đó, cũng theo dữ liệu của GLOBOCAN năm 2022, ung thư tuyến giáp đứng thứ 6 với 6.122 ca mắc mới, trong khi năm 2020, ung thư tuyến giáp đứng thứ 10 về số ca mắc mới tại Việt Nam. Dữ liệu này đã cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của bệnh lý ung thư tuyến giáp nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các chuyên gia y tế và cả xã hội.
Ngày 2/10, tại cơ sở Tân Triều, Bệnh viện K và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ giữa 2 đơn vị nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư.
Tại sự kiện, GS.TS.BS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ, bệnh ung thư là bệnh tương đối đặc biệt trong nhiều khía cạnh, trong đó ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân vì họ không biết tương lai của mình sẽ như thế nào.
Thêm nữa, bệnh ung thư cũng ảnh hưởng đến kinh tế, điều trị dài ngày, các thuốc mới, kỹ thuật cao rất đắt tiền.
"Sau khi điều trị ung thư thì việc hòa nhập với cộng đồng như thế nào? có làm ra tiền hay không? đây là gánh nặng đối với bệnh nhân. Bên cạnh đó, ung thư luôn luôn đi đôi với tâm thần. Do vậy, tâm lý bệnh nhân rất khác. Vì vậy, để điều trị bệnh nhân ung thư là lĩnh vực đặc thù", ông Quảng nói.
Theo Giám đốc Bệnh viện K, việc luôn luôn cập nhật kiến thức, trao đổi qua các hội thảo, hội nghị do các đơn vị tổ chức là cần thiết. "Hoạt động này cần duy trì liên tục trong tương lai để bệnh nhân ung thư được hưởng thuốc mới, kỹ thuật mới cũng như tiến bộ mới khác của y học", ông Quảng nói.
Bà Ghislaine Dondellinger - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam cho biết, công ty có thế mạnh về khoa học và công nghệ lĩnh vực dược phẩm sinh học, chăm sóc sức khỏe.
Tại Việt Nam, trong 30 năm qua, Merck đã góp phần vào việc cập nhật kiến thức y khoa cho các cán bộ y tế, cũng như phối hợp để thực hiện các chương trình giáo dục dành cho bệnh nhân tại Việt Nam trong đó có bệnh lý ung thư.
Do đó, bà Ghislaine Dondellinger hy vọng hai đơn vị sẽ góp phần cùng nhau nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
Theo đó, đơn vị sẽ hỗ trợ chuyên môn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe người dân; tăng cường kết nối và hợp tác với các tổ chức, chuyên gia ung bướu trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động đào tạo, giáo dục y tế và hoạt động hướng tới lợi ích của người bệnh và cộng đồng.
Đồng thời, nâng cao năng lực, kinh nghiệm của cán bộ y tế trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh ung thư thông qua các hoạt động đào tạo, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.
Nỗ lực trong chính sách đàm phán giá
PGS.TS.BS Phạm Văn Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện K hy vọng rằng sự hợp tác giữa hai đơn vị sẽ giúp ích cho Bệnh viện K nói riêng và đặc biệt là bệnh nhân ung thư ở Việt Nam nói chung được hưởng thành quả tốt nhất trong lĩnh vực thuốc điều trị ung thư.
Theo ông Bình, điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, kết hợp nhiều các phương pháp như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, dinh dưỡng, tâm lý và các phương pháp điều trị khác.
Merck đã tiếp tục có những chương trình đàm phán mới trong tương lai gần để làm sao bệnh nhân ung thư nghèo, ít có bảo hiểm hoặc có những chương trình hỗ trợ để bệnh nhân ung thư được hưởng những thuốc điều trị tốt nhất.
Cùng với đó, ông Bình cũng kỳ vọng lần hợp tác này sẽ phát triển đào tạo đối với các bác sĩ, đặc biệt với bác sĩ điều trị ung thư để giúp cho các bác sĩ có cơ hội, có học bổng đến những trung tâm ung thư lớn trên thế giới như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
"Việc ký kết này sẽ là viên gạch đầu tiên để xây dựng bệnh viện ung thư như Bệnh viện K là một trung tâm ung thư của toàn quốc, cũng như hệ thống mạng lưới phòng chống ung thư quốc gia được hưởng lợi từ việc đào tạo, tổ chức nghiên cứu khoa học", ông Bình nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng thông tin thêm, mỗi năm số bệnh nhân mắc ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng, số bệnh nhân ung thư tử vong cũng tăng, điều đó cho thấy tất cả chúng ta đều phải cố gắng phòng chống căn bệnh này.
Theo ông Bình, "chìa khóa" phòng chống ung thư hiệu quả và giá trị cao nhất cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc đó chính là sàng lọc và phát hiện sớm ung thư.
Làm sao để người nghèo tiếp cận được thuốc ung thư giá trị cao? Trả lời câu hỏi này, ông Bình kể rằng: "Tôi có một lần làm việc với một chuyên gia giáo sư Tổ chức Y tế thế giới, họ nói thế này "một hãng dược lớn trong tương lai sẽ được định nghĩa là một hãng có một bề dày lịch sử nghiên cứu lâu dài và chữa bệnh, giúp được bao nhiêu bệnh nhân nghèo khó, bệnh nhân ung thư được khỏi, được sống lâu nhất, chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể"".
Do đó, ông Bình cho rằng, nấc thang để đánh giá một hãng dược trong tương lai là những gì họ làm được cho bệnh nhân ung thư.
Vì vậy, ông Bình cho rằng, mỗi một biên bản ghi nhớ của bệnh viện với các đơn vị là một minh chứng để định hướng trong tương lai, làm sao biểu dương, nghiên cứu, trình bày và tán dương những thuốc nghiên cứu ung thư tốt, hiệu quả.
"Nhưng đừng quên một điều là thuốc ấy phải là một thước đo càng nhiều bệnh nhân ung thư được dùng mới là thuốc tốt", ông Bình nhấn mạnh và cho biết để làm được điều này chính là chính sách đàm phán giá.
"Chúng tôi thuyết phục, trình bày, hợp tác và luôn "chìa bàn tay" cho các hãng dược hiểu rằng việc giảm giá và việc cho nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nhân ung thư được tiếp cận các thuốc ung thư mới không chỉ là nấc thang đánh giá hãng dược đó mà còn thể hiện tính chất nhân đạo", ông Bình nói.
Tại buổi ký kết, đại diện Bệnh viện K hy vọng, thời gian tới đơn vị có thuốc mới cho bệnh nhân ung thư, có học bổng để đào tạo với các bác sĩ có năng lực và ngoại ngữ.
Đồng thời, hỗ trợ sinh phẩm và chờ cam kết giảm giá thuốc để bệnh nhân có thêm cơ hội tiếp cận thuốc điều trị.
Đại diện Merck cho biết, sẽ cố gắng tạo ra chính sách tốt hơn để bệnh nhân ngày càng tiếp cận thuốc điều trị nhiều hơn, sắp tới thông qua đàm phán giá, giúp giảm giá thuốc phù hợp có thể giúp cho bệnh nhân được nhiều nhất; hỗ trợ các xét nghiệm để bệnh nhân được điều trị tốt nhất có thể. Đồng thời, cam kết đầu tư lĩnh vực ung thư, đầu tư nghiên cứu thuốc điều trị ung thư mới.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/lam-sao-de-nguoi-ngheo-tiep-can-duoc-thuoc-ung-thu-gia-tri-cao-a117369.html