10 chung cư có lượng giao dịch thứ cấp chiếm đến 50% thị phần toàn Hà Nội trong tháng 8

Trong tháng 8, top 10 dự án chung cư được chuyển nhượng nhiều gồm Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Times City, KĐT Linh Đàm, KĐT Ciputra, KĐT Việt Hưng - Long Biên, Vinhomes Green Bay, KĐT Dương Nội, KĐT Thành phố giao lưu, Goldmark City.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Thị trường và Am hiểu Khách hàng OneHousing, trong tháng 8/2024, thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận khoảng 3.100 giao dịch chuyển nhượng. Mặc dù con số này giảm nhẹ 3% so với tháng 7, nhưng lại tăng mạnh tới 25% so với giai đoạn tháng 5 và tháng 6.

Trong đó, top 10 dự án có lượng chuyển nhượng cao nhất đạt khoảng 1.500 căn, chiếm 48% thị phần chuyển nhượng toàn Hà Nội trong tháng 8. Đáng chú ý, 8 trong số 10 dự án này nằm tại khu Đông và khu Tây Hà Nội.

10 chung cư có lượng giao dịch thứ cấp chiếm đến 50% thị phần toàn Hà Nội trong tháng 8- Ảnh 1.

Ông Trần Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing nhận định: “Thị trường chuyển nhượng chung cư khá sôi động trong các tháng gần đây thể hiện nhu cầu khách hàng còn lớn đối với phân khúc sản phẩm này. Trong khi nguồn cung sơ cấp còn hạn chế và giá cao, nhiều khách hàng chuyển qua tìm kiếm các sản phẩm chung cư trên thị trường chuyển nhượng.

Các dự án có giao dịch chuyển nhượng tốt phần lớn đến từ khu Đông và khu Tây, là những khu vực có nguồn cung chung cư lớn, với các đại đô thị được đầu tư bài bản, tiện ích đầy đủ và vận hành tốt. Dự báo trong thời gian tới, lượng giao dịch chuyển nhượng chung cư có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang trong tháng 9-10, trước khi tăng trở lại vào dịp cuối năm - thời điểm các giao dịch bất động sản diễn ra sôi động nhất”.

Ông Tiến cho biết thêm, nguồn cung căn hộ mở mới đang dần khan hiếm là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chuyển nhượng chung cư sôi động.

Tại báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng chỉ ra, một số chủ đầu tư dự án bất động sản tận dụng tình hình nguồn cung bất động sản hạn chế để đưa ra giá chào bất động sản cao, với mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn so với mức trung bình của các dự án bất động sản.

Đặc biệt, trong trường hợp tại một khu vực chỉ có rất ít, thậm chí duy nhất một dự án mở bán trong khi nhu cầu và số lượng người đăng ký mua nhiều thì chủ đầu tư có thể nâng giá bán (do không có cạnh tranh và giá tham chiếu) để thu lợi.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng chỉ ra thiếu nguồn cung bất động sản, nhà ở để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là TP Hà Nội và TP.HCM.

Khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số luật liên quan chưa được sửa đổi, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc từ quy định pháp luật do chồng chéo, thiếu đồng bộ, không cụ thể.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn vay tín dụng, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Nhiều dự án đã, đang triển khai xây dựng thời gian qua phải tạm dừng, giãn tiến độ, chậm tiến độ triển khai xây dựng.

Hiện nay, sau khi các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được ban hành và có hiệu lực thi hành, các vướng mắc khó khăn về thể chế, quy định pháp luật (đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tín dụng...) đối với doanh nghiệp đã được hệ thống pháp luật điều chỉnh, sửa đổi kịp thời và cơ bản đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của quy định pháp luật trước đây. Tuy nhiên để các cơ chế, chính sách, pháp luật mới được ban hành “đi vào cuộc sống" cần có thời gian để thẩm thấu, thực thi.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/10-chung-cu-co-luong-giao-dich-thu-cap-chiem-den-50-thi-phan-toan-ha-noi-trong-thang-8-a116817.html