Phiên tòa được diễn ra dưới sự điều hành của Thẩm phán Vũ Minh Tuấn, Chánh Tòa Dân sự, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Trước đó, bị cáo Đỗ Anh Dũng bị Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt mức án 8 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; bị cáo Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng) bị tuyên án 36 tháng tù. Các bị cáo là thuộc cấp của ông Dũng tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị phạt từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 tháng tù giam. Bị cáo Bùi Thị Ngọc Lân (nguyên Giám đốc Công ty kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía bắc) cùng 3 người khác đều là nhân viên, lãnh đạo công ty kiểm toán, bị tòa phạt từ 18-24 tháng tù nhưng đều hưởng án treo.
Về dân sự, bị cáo Đỗ Anh Dũng phải bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng cho nhà đầu tư.
Sau bản án sơ thẩm, duy nhất bị cáo Đỗ Anh Dũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo Đỗ Anh Dũng có một luật sư bào chữa duy nhất là ông Nguyễn Văn Tú (Công ty Luật Fanci). Tại phiên tòa phúc thẩm, có 262 lá đơn (215 cá nhân và 47 pháp nhân) tiếp tục xin giảm hình phạt cho bị cáo Dũng.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Đỗ Anh Dũng không có kháng cáo về tội danh, tuy nhiên bị cáo cho rằng, đây là một thương vụ đầu tư, huy động vốn để đưa vào kinh doanh bất động sản, có tài sản đảm bảo; về động cơ, ý thức thì không có mục đích lừa đảo; từ đó bị cáo mới xin giảm nhẹ hình phạt.
Về hậu quả của vụ án, bị cáo đã khắc phục thiệt hại toàn bộ số tiền 8.643 tỷ đồng. Bị cáo Đỗ Anh Dũng trình bày thêm, hiện Tập đoàn còn nhiều dự án còn dang dở nên mong muốn Tòa phúc thẩm xem xét giảm hình phạt để bị cáo sớm quay trở lại để tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Chủ tọa nhấn mạnh, việc phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và sử dụng nguồn vốn huy động không đúng mục đích, có dấu hiệu lừa đảo. Sau vụ án này, các cơ quan chức năng đã siết chặt quản lý về việc phát hành trái phiếu tại các doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn vốn huy động đúng quy định pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 6/2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh có vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên "khó khăn về tài chính". Tập đoàn này có dư nợ tín dụng hơn 18.500 tỷ đồng. Chỉ 6 tháng sau, vào tháng 1/2022, Tân Hoàng Minh tăng dư nợ lên gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ đến từ 8 gói trái phiếu đã phát hành năm 2021.
Trước nhu cầu thanh toán nhiều khoản nợ và có tiền chi tiêu, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới tại Tân Hoàng Minh triển khai phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.
Các bị cáo thống nhất Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu do có nhiều công ty con, không thể kiểm toán kịp thời. Thay vào đó, 3 công ty con thuộc Tập đoàn sẽ tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ gồm Công ty Ngôi Sao Việt; Công ty Soleil và Công ty Cung Điện Mùa Đông. Các công ty con này sau đó mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Qua đây, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỷ đồng.
Số tiền huy động được, bị cáo Dũng và đồng phạm chi tiêu vào nhiều việc khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu. Cơ quan tố tụng cáo buộc 15 bị cáo trong vụ án chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng và hiện số tiền này đã giao nộp để hoàn trả cho các bị hại.
Trong vụ việc, các đơn vị tham gia tư vấn phát hành, đại lý đăng ký và lưu ký số trái phiếu trên gồm Công ty Chứng khoán An Bình; Chứng khoán Bảo Việt; Chứng khoán Everest; Chứng khoán Agriseco; Chứng khoán KIS Việt Nam. Quá trình phát hành trái phiếu, nhóm doanh nghiệp nghiệp Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã ký các hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo với các ngân hàng Vietinbank chi nhánh Tây Thăng Long, trung tâm kinh doanh và Vietcombank chi nhánh Thanh Xuân./.
Theo TTXVN
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/toa-phuc-tham-xet-khang-cao-cua-chu-tich-tan-hoang-minh-a116778.html