Ngày 18/9, tại Ninh Bình, Viện Địa lý Nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo: "Tác động của các dự án phát triển tới môi trường và cảnh quan các di sản thiên nhiên tại Việt Nam".
TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn cho biết, giá trị của di sản thiên nhiên có ý nghĩa vượt khỏi ranh giới quốc gia và có ý nghĩa chung đối với nhân loại, đồng thời giá trị của di sản thiên nhiên được xem là căn cứ cho việc bảo vệ và quản lý hiệu quả tài sản trong tương lai.
Hiện nay, không ít điểm di sản thiên nhiên đã và đang trở thành những điểm đến thu hút một lượng lớn khách du lịch, một mặt tạo ra các tác động tích cực như tăng doanh thu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, quảng bá giá trị di sản…, mặt khác gây ra các tác động tiêu cực như xói mòn di sản, quá tải hạ tầng, mất cân bằng sinh thái…
Vì vậy, việc bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là một trong những trách nhiệm quan trọng, yêu cầu các bên có liên quan cần có nhận thức đúng đắn và hành động kịp thời.
Theo TS. Nguyễn Song Tùng, Ninh Bình là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Đặc biệt, Quần thể Danh thắng Tràng An được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Đây là một trong 39 Di sản hỗn hợp của thế giới và là Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tràng An cũng mang ý nghĩa toàn cầu trong việc minh chứng phương thức con người tương tác với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với những biến đổi to lớn về môi trường kéo trong hàng nghìn năm lịch sử hình thành Trái Đất.
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường di sản trong quần thể danh thắng Tràng An là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn, góp phần thực hiện hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường di sản thiên nhiên nói riêng.
Bảo đảm nguyên tắc trong phát triển du lịch bền vững
Tại hội thảo, đại diện Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Sở Du lịch Ninh Bình) đã chia sẻ về công tác bảo vệ môi trường cảnh quan tại khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An.
Theo đó, Ninh Bình đang tập trung thực hiện 5 giải pháp, đó là: Xây dựng ban hành cơ chế, chính sách quản lý gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và đa dạng sinh học; định kì đánh giá sức chịu tải du lịch tại các khu, điểm du lịch; thực hiện tuần tra công tác bảo vệ môi trường cảnh quan; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng.
Cụ thể, trong thời gian qua, Ninh Bình đã phối hợp, liên kết với các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước 10 đề tài, chuyên đề nghiên cứu khoa học về các vấn đề đa dạng sinh học, văn hoá lịch sử, địa chất – địa mạo, khảo cổ học...
Ban Quản lý cũng đã phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan đề xuất với UBND tỉnh triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án bảo tồn gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức đón tiếp, phục vụ, hướng dẫn khách đến tham quan bảo đảm thuận lợi, an toàn và chu đáo.
Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã thực hiện trên 1.340 lượt tuần tra, qua công tác tuần tra đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành có liên quan trong khu Di sản kịp thời phát hiện các trường hợp sai phạm để kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của Di sản, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã tổ chức 3 chương trình tuyên truyền cho gần 300 lao động đang làm việc tại các khu, điểm du lịch.
Chính vì thế, lượng khách du lịch ngày càng gia tăng. 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ước đón 6,52 triệu lượt khách, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 86,93% so với kế hoạch năm 2024. Doanh thu ước đạt hơn 6.269 tỷ đồng, tăng 47,58% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 76% so với kế hoạch năm 2024.
Từ việc nghiên cứu công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quần thể danh thắng Tràng An, PGS. TS. Nguyễn Thị Song Hà, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, việc thay đổi tư duy về cách làm du lịch là hết sức quan trọng, trong đó xác định rõ thương hiệu, bản sắc, các loại hình và sản phẩm du lịch, cách thức tổ chức, quản lí, chiến lược kết nối và hỗ trợ, áp dụng KHCN và chuyển đổi số, bảo đảm nguyên tắc ngũ giác trong phát triển du lịch bền vững (Phát triển kinh tế, Hạnh phúc của người dân địa phương, Bảo vệ tài nguyên, Bảo tồn và phát triển văn hóa, Sự hài lòng của du khách).
PGS. TS. Nguyễn Thị Song Hà cũng đề xuất UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện điều tra, đánh giá, quản lí và bảo vệ môi trường Di sản, nhất là di sản thiên nhiên quần thể Danh thắng Tràng An theo Quy định của Luật Bảo vệ môi trường để dự báo các tác động xấu đến môi trường khu di sản, đưa ra các giải pháp phục hồi, bảo vệ, bảo tồn các giá trị thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát về môi trường, kịp thời ngăn chặn, xử lí các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Lắp hệ thống quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí xung quanh để dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không khí tại khu di sản...
Hoàng Giang
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/bao-ve-moi-truong-di-san-quan-the-danh-thang-trang-an-a116621.html