Vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng: Chuyên gia chỉ "vết hằn" trẻ sẽ phải chịu

Theo các chuyên gia, khi bị bạo hành hệ quả là trẻ có thể bị rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, rối loạn hành vi.

Tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần

Vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM) mới đây đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Việc trẻ nhỏ bị bạo hành khiến nhiều người bày tỏ sự lo ngại về việc sẽ ảnh hưởng tâm lý đối với trẻ.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho rằng, trẻ bị bạo hành sẽ có thể có những rối loạn sau này.

Ngay trước mắt gây tổn thương rất nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, nhưng sau này đây sẽ là một yếu tố nguy cơ xuất hiện rối loạn về lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn về thách thức chống đối xã hội.

Theo BS.Thu, trẻ em như tờ giấy trắng nhưng có những cơ chế để phòng thủ. Khi đối mặt với các hành vi bạo hành, trẻ có hai hướng tự vệ: Có thể thu mình lại hoặc bùng nổ.

"Và nếu không có sự uốn nắn đúng đắn của người lớn sẽ có thể phát triển thêm bệnh lý khác", BS.Thu nói.

Vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng: Chuyên gia chỉ "vết hằn" trẻ sẽ phải chịu- Ảnh 1.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu chỉ những hệ lụy trẻ bị bạo hành sẽ gặp phải.

Khi trẻ bị bạo hành, theo BS.Thu xu hướng trẻ thu mình lại sẽ phổ biến hơn. Trong tương lai, điều này sẽ khiến trẻ ngại chia sẻ, không sống đúng với bản thân mình. Hệ quả, trẻ có thể bị rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, rối loạn hành vi và có thể dẫn đến những thất bại trong học tập.

Nếu trẻ có sự bất mãn thì sẽ tìm những cách để giải tỏa sự ức chế, trẻ sẽ có những hành vi rất manh động, có quyết định lệch chuẩn so với quy chuẩn đạo đức thông thường. Trẻ sẽ cảm thấy bản thân không cần thiết nghe lời, dễ bị lợi dụng, dụ dỗ, mua chuộc

"Khi bị bạo hành, trẻ sẽ có xu hướng thu mình lại và đương nhiên sẽ không nghe lời những người hàng ngày tấn công trẻ. Thay vào đó, trẻ có xu hướng nghe lời những người chiều chuộng mình nên dễ sa vào lời dụ dỗ bên ngoài, dễ khiến trẻ hư hỏng", BS. Thu cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, những vụ bạo hành trẻ có thể tạo nên những "vết hằn" cho trẻ, cũng có thể khiến trẻ có xu hướng bạo hành người khác. Thông thường sẽ tạo thành rối loạn lo âu, tránh né xã hội nhiều hơn, thất bại học tập…

Nhiều người nghĩ trẻ chỉ mới 6-7 tháng tuổi, còn quá non nớt nên sẽ sớm quên những hành vi bạo hành, nhưng theo BS.Thu trẻ vẫn có thể đối mặt nhiều nguy cơ.

"Trẻ sống trong hoảng loạn, bạo lực và không nhiều thì ít sẽ có các tật chứng liên quan rất nhiều đến rối loạn tâm thần", BS.Thu cho hay.

Theo BS.Thu, với các trẻ em trong vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng, điều cần lúc này là sự yêu thương của người lớn để có thể "xoa dịu" những vết thương trong tâm hồn của trẻ, giúp trẻ có một tương lai tươi sáng hơn.

Phải là người yêu thương trẻ vô điều kiện

Chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em (thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ), cho hay tất cả những dấu ấn liên quan tới bạo hành đều có hệ lụy với trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Lan Hương, với trẻ nhỏ dưới ba tuổi mức độ ảnh hưởng sẽ không biểu hiện rõ nét như trẻ lớn.

Thí dụ, trẻ lớn có thể biểu hiện luôn trong cách ứng xử, giao tiếp, hành vi do đã có nhận thức. Còn trẻ dưới ba tuổi, biểu hiện có thể là tè dầm, ị đùn, khóc, ngủ hay giật mình, ăn uống kém. Ngoài ra, trẻ có thể rơi vào tình trạng thoái lui kỹ năng, hành vi, giao tiếp.

Vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng: Chuyên gia chỉ "vết hằn" trẻ sẽ phải chịu- Ảnh 2.

Vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM) đã khiến dư luận vô cùng bức xúc (Ảnh cắt từ clip báo Thanh Niên).

"Những hệ lụy về mặt sức khỏe tâm thần có thể sẽ theo trẻ ngay cả khi trẻ được chuyển tới một nơi chăm sóc mới", bà Hương cho hay.

Theo chuyên gia tâm lý, với trẻ còn nhỏ chưa có nhận thức, khi chuyển tới một môi trường mới có sự vỗ về, yêu thương thì trẻ sẽ nguôi ngoai và quên đi. Tuy nhiên, với trẻ lớn hơn từ 2-3 tuổi bắt đầu có nhận thức yêu - ghét, sợ hãi sẽ có hậu quả tâm lý để lại rất lâu dài nếu như không có biện pháp hỗ trợ.

"Có thể trong cuộc sống hàng ngày trẻ có thể quên, nhưng đến lúc nào đó gặp lại hoàn cảnh đó, trẻ vô thức nhớ lại, dẫn tới khủng hoảng nhất định. Bị bạo hành là nỗi đau khiến cho trẻ trở nên nhạy cảm", bà Hương nói.

ĐBQH: Cần xử lý nghiêm bảo mẫu bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng

Do đó, chuyên gia tâm lý cho rằng phải có sự yêu thương, nhẫn nại thì mới có thể chăm sóc được những đứa trẻ.

"Với bất cứ mái ấm nào thì người quản lý phải là người yêu thương trẻ vô điều kiện. Tuyển dụng người chăm sóc cũng phải là những người có tình yêu thương với trẻ để tránh sự việc đáng tiếc tương tự có thể xảy ra", bà Hương nhấn mạnh.

Link nội dung: https://saigonmoi24.com/vu-bao-hanh-o-mai-am-hoa-hong-chuyen-gia-chi-vet-han-tre-se-phai-chiu-a114793.html