Các nhà hoạch định chính sách ở Châu Á và Thái Bình Dương đang phải chật vật để thu thập và phân tích dữ liệu họ cần nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, gây cản trở các nỗ lực trong một khu vực bị xem là dễ tổn thương nhất trước những tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Một số cơ quan thống kê quốc gia trong khu vực nói rằng họ không có đủ cán bộ làm việc về dữ liệu khí hậu, trong khi một số khác không có bộ phận riêng về dữ liệu khí hậu, theo kết quả của một khảo sát mới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thực hiện và công bố hôm nay.
Hầu hết những người được hỏi cũng cho biết khả năng tiếp cận dữ liệu chi tiết theo khu vực địa lý của họ cao nhất ở mức "trung bình" đối với nhiều loại dữ liệu, gồm cả dữ liệu về các tác nhân gây biến đổi khí hậu như sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Những dữ liệu chính về tác động tới hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng, các khu vực địa lý cụ thể và an ninh nguồn nước cũng bị thiếu.
Châu Á và Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và chịu ảnh hưởng từ thiên tai và các rủi ro khí hậu khác nhiều hơn so với bất kỳ khu vực nào khác. Nếu không có dữ liệu chất lượng cao và khả năng phân tích dữ liệu, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực không thể thiết kế những biện pháp hiệu quả, có trọng tâm để giải quyết nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu—cũng như đánh giá hiệu quả của các biện pháp này.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, cho biết: "Châu Á và Thái Bình Dương đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến khí hậu. Những đợt nắng nóng chết người và lũ lụt thảm khốc mà chúng ta chứng kiến trong những tháng gần đây cho thấy rõ nguy cơ là gì.
Chúng ta cần dữ liệu chất lượng cao và năng lực thống kê mạnh mẽ để tránh những điểm mù về chính sách và bảo đảm rằng các chiến lược giải quyết khủng hoảng khí hậu của chúng ta được dựa trên thông tin đầy đủ. Điều này có nghĩa là chúng ta cần đầu tư vào các hệ thống thống kê, con người và các thể chế của mình. Cái giá phải trả cho việc không làm vậy sẽ cao hơn nhiều so với các khoản đầu tư này."
Những phát hiện từ khảo sát của ADB, được thực hiện với 29 cơ quan thống kê quốc gia tại châu Á và Thái Bình Dương, đã được công bố như một phần của báo cáo Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2024.
Báo cáo này giải thích cách thức dữ liệu và số liệu thống kê có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ví dụ, việc có dữ liệu phù hợp cho phép theo dõi cục bộ hơn những tác động của biến đổi khí hậu, cung cấp bối cảnh cho một giải pháp chính sách hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu và bằng chứng. Dữ liệu chi tiết theo khu vực địa lý cũng giúp xác định những lĩnh vực cần ưu tiên trong chính sách, bảo đảm nguồn lực được định hướng tới những nơi cần thiết nhất.
Báo cáo lưu ý rằng các cơ quan thống kê quốc gia không chỉ gặp thách thức do năng lực hạn chế và thiếu khả năng tiếp cận dữ liệu khí hậu, mà còn do thiếu định nghĩa và phương pháp thống nhất.
Khi được hỏi về nguyên nhân của các thiếu sót này, những người trả lời khảo sát đã chỉ ra các yếu tố gồm thiếu nhân viên kỹ thuật, nguồn lực tài chính hạn chế, khó khăn về phương pháp luận và kỹ thuật, thiếu sự phối hợp với các bên liên quan khác, và dữ liệu biến đổi khí hậu không được xem là ưu tiên.
Báo cáo có một phụ bản đặc biệt tập trung vào chuẩn Trao đổi dữ liệu và siêu dữ liệu thống kê (SDMX), cung cấp khuôn khổ toàn diện để hợp lý hóa các hoạt động dữ liệu có thể giúp các nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương thiết kế và thực thi những chính sách hiệu quả, dựa trên dữ liệu và bằng chứng.
Việc áp dụng chuẩn SDMX có thể giúp các quốc gia thu thập, trao đổi, phân tích và phổ biến dữ liệu thống kê để giúp ứng phó biến đổi khí hậu.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/ung-pho-bien-doi-khi-hau-tai-chau-a-va-thai-binh-duong-gap-tro-ngai-a113462.html