Hải quân Mỹ vẫn đang chờ tiếp nhận chiếc đầu tiên trong số 12 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Columbia, vốn được thiết kế để thay thế các SSBN lớp Ohio cũ kỹ hơn, trở thành một thành phần chính trong bộ ba hạt nhân của "xứ cờ hoa".
Trên lý thuyết, tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia, với tổng chi phí cho toàn bộ lớp tàu lên tới gần 348 tỷ USD, chính là thứ mà Hải quân Mỹ cần để hoàn thành nhiệm vụ răn đe hạt nhân của mình.
Trên thực tế, tình hình khá bết bát, không phải vì chất lượng của lớp tàu này, mà là vì tiến độ bàn giao chúng.
Theo Bloomberg, thời hạn bàn giao "siêu thuỷ quái" dẫn đầu lớp, là tàu USS District of Columbia (SSBN-826), đã bị đẩy lùi tới 16 tháng, với nguyên nhân là do sự chậm trễ của các nhà thầu trong việc bàn giao phần mũi tàu và máy phát điện.
Trước đó, có thông tin cho rằng SSBN-826 có thể được bàn giao vào năm tài chính 2028 thay vì năm tài chính 2027 theo kế hoạch.
Sự chậm trễ ảnh hưởng đến tàu lớp Columbia được coi là rất nghiêm trọng vì nó có thể buộc Hải quân Mỹ phải duy trì hoạt động của tàu lớp Ohio lâu hơn dự kiến.
Tàu ngầm hạt nhân USS District of Columbia dẫn đầu lớp Columbia – được đặt ky vào tháng 6/2022 và dự kiến đi vào hoạt động chậm nhất vào năm 2031 – sẽ là tàu ngầm lớn nhất và mạnh nhất mà Mỹ từng hạ thuỷ, dài 560 feet (170 m) và có lượng giãn nước 20.810 tấn.
Các tàu SSBN mới sẽ sử dụng Khoang tên lửa chung (CMC) do Mỹ và Anh cùng phát triển, cùng loại sẽ được lắp đặt trên các tàu ngầm lớp Dreadnought mới của Hải quân Hoàng gia Anh. Nỗ lực chung này được báo cáo là giúp mỗi quốc gia tiết kiệm được hàng trăm triệu USD.
Hải quân Mỹ vẫn đang chờ tiếp nhận chiếc đầu tiên trong số 12 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Columbia. Ảnh: Columbia-class SSBN
Trong khi tàu thuộc lớp Ohio được trang bị 24 ống phóng tên lửa đạn đạo, mỗi tàu trong số 12 tàu thuộc lớp Columbia mới nhất mang theo 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident II D-5, chiếm tổng cộng 70% số vũ khí hạt nhân mà Mỹ sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào. Số lượng tên lửa ít hơn nhằm mục đích giảm chi phí xây dựng, vận hành và bảo trì, nhưng uy lực thì chỉ có hơn chứ không kém.
Trident II D-5, hay Trident D-5, là tên lửa nhiên liệu rắn có tầm bắn 4.600 dặm (7.400 km) và có khả năng mang tới 14 đầu đạn nhiệt hạch W-76-1, mỗi đầu đạn có sức công phá gấp 6 lần quả bom thả xuống Hiroshima.
Các tên lửa Trident D-5 ra khơi trên tàu ngầm lớp Ohio hiện được trang bị 4-5 đầu đạn W-76-1 hoặc 1 đầu đạn W-76-2 mới, công suất thấp, 5 kiloton.
Nếu mỗi tàu Columbia mang theo 14 tên lửa D-5 được trang bị 5 đầu đạn công suất lớn hơn và 2 tên lửa D-5 có đầu đạn công suất nhỏ hơn, thì một con "siêu thuỷ quái" lớp Columbia có thể mang theo hơn 6 megaton hỏa lực hạt nhân – tương đương với 6,31 triệu tấn thuốc nổ TNT.
Tàu ngầm được trang bị Trident D-5 đại diện cho nhánh trên biển của bộ ba hạt nhân Mỹ. Bộ ba này bao gồm 76 máy bay ném bom có người lái B-52H Stratofortress và 20 máy bay ném bom B-2 Spirit, 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III đặt trong hầm ngầm và 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio. Cả 3 nhánh của bộ ba hạt nhân Mỹ đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng biệt và hoạt động để bổ sung cho nhau.
Bà Maya Carlin, nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách An ninh – có trụ sở tại Washington D.C., khi viết cho The National Interest, cảnh báo rằng lớp Columbia đang trên đà trở thành một trong những chương trình tốn kém nhất của Lầu Năm Góc từng được phát triển, nhưng cũng cho biết rằng cuối cùng mọi sự chờ đợi và tốn kém có thể sẽ được đền đáp xứng đáng.
Minh Đức (Theo National Interest, Popular Mechanics)
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tau-ngam-hat-nhan-columbia-sieu-thuy-quai-lon-nhat-va-manh-nhat-a113386.html