Bệnh nhân mắc sán não gia tăng
Bác sĩ Phùng Xuân Hách - Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc ấu trùng sán lợn tại não (sán não) tới viện điều trị gia tăng. Trong đó, có cả người trẻ và người cao tuổi. Hiện tại, khoa đang điều trị nội trú cho 16 bệnh nhân mắc sán não.
Một trong những trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi mắc sán não đang điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ là bệnh nhân C.V.T (27 tuổi, Sơn La), làm nghề lao động tự do.
T. tâm sự lần đầu cơ thể xuất hiện triệu chứng co giật, méo miệng vào khoảng tháng 3/2024, khi anh đang ngủ. Sau cơn co giật thì cơ thể T. trở lại bình thường.
Lo lắng cho sức khỏe nên T. đã đi khám tại bệnh viện ở địa phương. Bác sĩ nghi ngờ anh bị u não và tư vấn anh T. lên tuyến trên để khám chuyên sâu.
Anh T. và bố đã tới bệnh viện tại Quảng Ninh khám và được chẩn đoán mắc sán não, điều trị 2 tuần tại viện sau đó về lại Sơn La. 3 tháng sau, anh T. lại có triệu chứng co giật, lần này tình trạng co giật nặng hơn nên gia đình đã đưa anh xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để thăm khám.
Tại đây, anh T. được chẩn đoán mắc sán não, có nhiều tổn thương lỗ chỗ ở não.
Chia sẻ về thói quen ăn uống, anh T. cho biết anh thường ăn rau sống và tiết canh.
"Ở quê tôi thường có truyền thống ăn tiết canh lợn, trâu, bò, vịt… nên tôi cũng hay ăn món này. Món ăn này thường mát, giải nhiệt vào ngày hè nên khi uống rượu mọi người thường thích ăn", T. cho hay.
Anh T tâm sự: "Giờ tôi sợ rồi không dám ăn tiết canh, gỏi, rau sống nữa. Về nhà tôi chỉ ăn chín uống sôi thôi".
Bác sĩ Hách cho biết, trường hợp bệnh nhân T. vào viện với những dấu hiệu khá điển hình của mắc sán não.
Nguyên nhân gây ra sán não là do người bệnh ăn phải ấu trùng sán lợn từ những thực phẩm chưa được nấu chín. Ví dụ như ăn tiết canh lợn, thịt lợn chưa nấu chín, nem chạo…
Bác sĩ Hách cho biết: "Hiện nay, nhiều người cho rằng ăn lợn sạch nhà nuôi sẽ không bị nhiễm sán. Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa đúng vì chúng ta không thể kiểm soát được nguy cơ bệnh tật, ký sinh trùng trong quá trình nuôi. Do vậy, khi ăn tiết canh, nem chạo, thịt lợn chưa chế biến chín kỹ thì mọi người vẫn có nguy cơ cao nhiễm sán".
Triệu chứng của bệnh sán não rất đa dạng, tùy thuộc vào mức độ, vị trí tổn thương não mà bệnh nhân có thể có những biểu hiện khác nhau. Có những trường hợp bệnh nhân đến viện khám do có cơn co giật, có trường hợp lại bị đau đầu dữ dội. Hay có trường hợp bệnh nhân lại chỉ choáng váng, đi khám thì tình cờ phát hiện ra mắc sán não.
Tốt nhất là không ăn tiết canh
Theo bác sĩ Hách, sán não gây ra tổn thương trên não và có một số triệu chứng như: Đau đầu, co giật, buồn nôn, giật cơ, yếu liệt người... Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng khác.
Do triệu chứng của bệnh đa dạng, dễ bị nhầm lẫn với động kinh, đột quỵ nên khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường, người bệnh cần khám chuyên sâu để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.
Bác sĩ Hách cho biết thêm, bệnh sán não có thể điều trị khỏi. Một số trường hợp bệnh nhân đáp ứng thuốc kém thì thời gian điều trị sẽ phải kéo dài.
Một bệnh nhân mắc sán não trung bình sẽ có 3 đợt uống thuốc điều trị. Sau mỗi đợt điều trị, bệnh nhân sẽ được đánh giá khả năng đáp ứng thuốc, tình trạng tổn thương, từ đó giúp bác sĩ quyết định phương án điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.
Để phòng ngừa sán não, bác sĩ cho biết cách tốt nhất là không ăn tiết canh lợn, không ăn những thực phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Ngoài ra, người dân nên thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh khi chế biến thịt lợn và phải ăn chín uống sôi.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/quan-niem-sai-lam-ve-mon-an-mat-giai-nhiet-nha-nuoi-khong-bi-nhiem-san-a112957.html