Việc sản xuất, kinh doanh thuốc lá lậu bất hợp pháp không chỉ gây thất thu ngân sách lớn cho các quốc gia mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng, phá vỡ an ninh kinh tế khu vực.
Tẩm ma túy trong thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu
Năm 2017, báo cáo của Liên minh xuyên quốc gia Chống Buôn lậu (TRACIT) đã thống kê, mức độ tiêu thụ thuốc lá lậu trong khu vực ASEAN tập trung đến 95% tại các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Trong nước, theo ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, ước tính thuốc lá điếu nhập lậu chiếm khoảng 13-15% tổng sản lượng tiêu thụ toàn quốc, gây thất thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước.
Đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) Giai đoạn từ năm 2020 đến quý I/2024, số vụ thanh tra, vi phạm về thuốc lá điếu nhập lậu là 7.215 vụ với tổng giá trị hàng hoá vi phạm hơn 14 tỷ đồng; vi phạm về thuốc lá thế hệ mới 707 vụ, tổng giá trị hàng hoá vi phạm là hơn 92 tỷ đồng.
Đánh giá về tác động lên xã hội đối với tình trạng thuốc lá nhập lậu, ông Đỗ Hồng Trung – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 398 quốc gia cho biết: "Việc buôn lậu, buôn bán, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu cũng như thuốc lá điện tử thế hệ mới có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết, Nhà nước sẽ thất thu thuế.
Thứ hai doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chính thống phải gồng mình lên để cạnh tranh với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, bởi các sản phẩm đó không chịu bất cứ một loại thuế nào."
Cũng theo báo cáo, thuốc lá nhập lậu dù là thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử cũng đều tồn tại tình trạng pha trộn lẫn chất ma túy từ nguồn hàng chợ đen.
Cá biệt, đã tìm thấy trong thuốc lá lậu chất coumarin, là một thành phần trong thuốc diệt chuột, gây nhiễm độc gan và nguy cơ ung thư cao. Người tiêu dùng thuốc lá điếu lậu còn có thể gặp các vấn đề như thuốc lá tẩm ma túy, thuốc lá không được kiểm định theo các tiêu chuẩn sản phẩm.
Mới đây, các báo cáo trong Hội nghị Tổng cục Trưởng Hải quan ASEAN (DGs) lần thứ 33 tổ chức vào đầu tháng 6 tại Phú Quốc, Việt Nam vừa là quốc gia đối diện tình trạng thuốc lá lậu trong nước, nhưng cũng đồng thời là một nguồn cung thuốc lá lậu cho nhiều quốc gia trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)...
Năm 2023, Thái Lan cũng ghi nhận mức tiêu thụ thuốc lá nhập lậu gây thất thu thuế 23 tỷ baht, tương đương 25% tổng doanh thu thuế của ngành hàng. Nếu chỉ tính từ năm 2022 đến nay, tỷ lệ buôn lậu tại Thái Lan tăng từ 22.3% lên 25.5%. Đáng chú ý, nguồn thuốc lá lậu này chủ yếu được sản xuất hoặc trung chuyển từ Việt Nam.
Cuộc chiến chống buôn lậu: Cần sự liên minh trên toàn cầu
Trong nước từ năm 2014, Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) để ngăn chặn vấn nạn này.
Tại khu vực ASEAN, hải quan các nước cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán thuốc lá lậu qua biên giới.
Mới đây nhất, trong kỳ họp vừa qua của DGs, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn, Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025, nhấn mạnh đã đến lúc lực lượng hải quan ASEAN cần "chung tay cho một hành trình mới với mục tiêu cao hơn về hội nhập và kết nối", để hiện thực hóa thành công tầm nhìn ASEAN "một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng".
Chuyển động gần đây, Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng vừa ký kết thỏa thuận AAMRA với mục đích đơn giản hóa thủ tục hải quan và hỗ trợ phòng chống hàng giả, hàng lậu hiệu quả hơn.
Cũng theo các chuyên gia, cuộc chiến chống buôn lậu không thể thiếu khung pháp lý dành cho các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới trên thị trường.
Cho đến nay, trong 10 quốc gia thành viên thuộc khối ASEAN, theo ghi nhận chỉ còn mỗi Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý dành cho thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Trong đó, Malaysia, Indonesia, Philippines đã kiểm soát các sản phẩm này theo luật hiện hành hoặc thiết lập khung luật mới.
Thái Lan mặc dù vẫn còn áp dụng lệnh cấm đối với thuốc lá điện tử, tuy nhiên quốc gia này hiện đang đánh giá lại lệnh cấm liệu có còn phù hợp khi thuốc lá mới bất hợp pháp phổ biến trong nước bất chấp các biện pháp xử phạt nghiêm minh, từ phạt tiền đến phạt tù.
Tương tự, 4 quốc gia cấm thuốc lá mới còn lại là Singapore, Lào, Brunei, Campuchia cũng đang chật vật trong cuộc chiến chống buôn lậu các mặt hàng này khi các báo cáo cho thấy rằng lệnh cấm đang gián tiếp làm "giàu" cho giới tội phạm.
Từ năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia ký kết Nghị định thư Xóa bỏ Buôn bán Bất hợp pháp các sản phẩm Thuốc lá.
Tại cuộc họp lần thứ 3 của các nước tham gia nghị định này vào tháng 2 năm 2024, báo cáo cho thấy hiện những hoạt động buôn lậu thuốc lá đã chiếm tới 11% tổng lượng thuốc lá giao dịch trên toàn cầu.
Tình trạng này gây thất thu thuế nghiêm trọng, ước tính lên tới 47,4 tỷ USD mỗi năm trên toàn thế giới. Do vậy, vấn đề phòng chống buôn lậu đã không còn là cuộc chiến riêng rẽ của từng quốc gia mà cần có sự hợp tác mang tính từ khu vực đến toàn cầu.
Chỉ có thông qua sự hợp tác chặt chẽ và các giải pháp đồng bộ, chính phủ các nước mới có thể ngăn chặn diễn tiến tiêu cực của vấn nạn này, bảo vệ sức khỏe người dân và đảm bảo nguồn thu ngân sách cho các quốc gia.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/thuoc-la-lau-van-nan-toan-cau-can-su-phoi-hop-lien-chinh-phu-a112020.html