Trang Army Recognition hôm 2/8 cho biết, Romania có kế hoạch hợp tác phát triển vũ khí với Ukraine, đặc biệt tập trung vào tên lửa hành trình chống hạm cận âm R-360 Neptune do chính Kiev phát triển.
Hồi tháng 4 năm ngoái, có thông tin tiết lộ rằng ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang nỗ lực hiện đại hóa Neptune (tức Sao Hải Vương hoặc Hải Vương Tinh), mặc dù kết quả cuối cùng của những nỗ lực này vẫn chưa chắc chắn.
Không giống như tên lửa SCALP-EG của Pháp được phóng từ trên không, tên lửa "Hải Vương Tinh" của Ukraine được phóng từ mặt đất và có thể nhắm vào cả mục tiêu trên bộ và trên biển với tầm bắn lên tới 400 km và có thể mang đầu đạn nặng 350 kg. Khả năng này mang lại cho chúng vai trò chiến lược trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Những tên lửa này đã được sử dụng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến. Neptune gây chú ý kể từ khi nó được cho là loại vũ khí đã đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga vào tháng 4/2022. R-360 Neptune được cho là sánh ngang với tên lửa ATACMS của Mỹ về tầm bắn.
Tên lửa hành trình chống hạm R-360 Neptune của Ukraine do Luch Design Bureau phát triển. Ảnh: Defense Express
Khai hỏa tên lửa hành trình chống hạm R-360 Neptune của Ukraine. Ảnh: News.Az
R-360 Neptune là tên lửa hành trình cận âm do công ty Luch Design Bureau của Ukraine phát triển. "Sao Hải Vương" được giới thiệu lần đầu tiên tại Triển lãm quốc tế về vũ khí và an ninh được tổ chức ở thủ đô Kiev năm 2015, và được đưa vào sử dụng trong Hải quân Ukraine vào năm 2021.
Tên lửa Neptune, nặng 870 kg và dài 5,05 m, được thiết kế để nhắm vào các tàu hải quân có lượng giãn nước lên tới 9.000 tấn. Nó có tầm hoạt động hơn 200 km và có thể tấn công các mục tiêu trên biển và trên bộ trong biến thể tấn công trên bộ.
Tên lửa được trang bị động cơ phản lực cánh quạt Motor Sich MS400 và hệ thống nhắm mục tiêu và điện tử được cải tiến so với phiên bản tiền nhiệm của Liên Xô, Kh-35.
Một hệ thống tên lửa Neptune bao gồm bệ phóng di động, xe vận chuyển/nạp đạn, xe chỉ huy và điều khiển, và xe tải vận chuyển đặc biệt. Hệ thống được thiết kế để hoạt động cách bờ biển tới 25 km.
Trong các cuộc thử nghiệm hoạt động và kịch bản chiến đấu, Neptune đã chứng minh được hiệu quả của mình.
Ngoài vụ tuần dương hạm Moskva của Nga bị chìm được cho là do tên lửa Neptune, hồi tháng 3, Quân đội Ukraine tuyên bố rằng họ đã vô hiệu hóa tàu đổ bộ cỡ lớn Kostiantyn Olshanskyi, vốn bị Nga tịch thu vào năm 2014, bằng tên lửa Neptune.
Ukraine hiện đang nỗ lực mở rộng tầm bắn của "Sao Hải Vương" lên 1.000 km và tăng sản lượng.
Nếu sự tham gia của Romania được xác nhận, điều này có khả năng sẽ trở thành "cú hích" quan trọng, giúp Ukraine đạt được mục tiêu đã đề ra với Neptune nhanh hơn.
Minh Đức (Theo Army Recognition, Euromaidan)
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/cu-hich-trong-hien-dai-hoa-ten-lua-chong-ham-sao-hai-vuong-r-360-neptune-a111871.html