AI hỗ trợ điều phối, quản lý quá trình thực hiện giảm phát thải
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo năm 2024 (Innovation Summit Vietnam) diễn ra vào ngày 2/8 tại Tp.HCM, ông Farrukh Shad, Trưởng bộ phận kinh doanh bền vững Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Schneider Electric (tập đoàn hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, quản lý năng lượng và tự động hóa-PV) đã đưa ra những nội dung, phân tích về việc ứng dụng AI vào đời sống, đồng thời hỗ trợ tối đa trong quá trình làm giảm phát thải.
Ông Farrukh Shad cho biết, AI có khả năng phân tích và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về mức độ phát thải của mình. Các hệ thống AI có thể giám sát liên tục các quy trình sản xuất và phát hiện kịp thời những nguồn phát thải không hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể thực hiện các biện pháp điều chỉnh ngay lập tức, giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính.
"Ví dụ, AI có thể đo lường và phân tích lượng CO2 phát thải tại mỗi thời điểm, giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu năng lượng của người dân và từ đó điều chỉnh sản xuất một cách hợp lý. Nhờ AI, các doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định chính xác dựa trên dữ liệu thực tế, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường", ông Farrukh Shad nói.
AI tối ưu hoá quy trình thực hiện, giúp tiết kiệm thời gian, chi phíMột trong những lợi ích quan trọng của AI là khả năng tối ưu hoá quy trình sản xuất và vận hành. Ông Farrukh Shad nhấn mạnh, bằng cách áp dụng các thuật toán học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp có thể tự động hoá nhiều công đoạn trong quy trình sản xuất, từ đó giảm thiểu sự lãng phí nguyên liệu và năng lượng.
Ví dụ, trong ngành công nghiệp năng lượng, AI có thể dự đoán nhu cầu tiêu thụ năng lượng dựa trên dữ liệu lịch sử và thời tiết. Điều này giúp các công ty điện lực điều chỉnh sản xuất điện một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu lãng phí năng lượng và tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo.
Ngoài ra, AI còn giúp cải thiện quản lý chuỗi cung ứng, giảm thiểu lượng hàng tồn kho và tối ưu hoá logistics. Các hệ thống AI có thể dự báo nhu cầu sản phẩm một cách chính xác, từ đó giúp doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất và vận chuyển một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu lượng khí thải từ các hoạt động vận chuyển và lưu trữ.
Cũng theo ông Farrukh Shad, AI không chỉ hữu ích trong việc quản lý và tối ưu hoá quy trình bên ngoài mà còn có thể được áp dụng hiệu quả trong nội bộ doanh nghiệp. Bằng cách sử dụng AI để giám sát và dự báo, doanh nghiệp có thể tối ưu hoá quy trình sản xuất, giảm thiểu lượng phát thải và tiết kiệm chi phí.
Ví dụ, trong mảng khử CO2, AI có thể tối ưu hoá quy trình sản xuất điện tại các nhà máy thuỷ điện và nhà máy sản xuất khác. AI giúp phân tích và dự báo nhu cầu năng lượng, từ đó điều chỉnh sản xuất một cách hiệu quả, giảm thiểu lượng phát thải và tối ưu hoá việc sử dụng nguồn tài nguyên.
Ông Farrukh Shad, Trưởng bộ phận kinh doanh bền vững Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Schneider Electric nhấn mạnh: "Điều quan trọng cần nhấn mạnh là AI không phải đến để thay thế con người, mà là để cải thiện công việc, giúp chúng ta làm việc hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn. Công nghệ AI không chỉ là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm phát thải và tối ưu hoá quy trình sản xuất, mà còn là chìa khóa giúp xây dựng nền kinh tế xanh bền vững. Việc áp dụng AI vào quản lý môi trường và quy trình sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Trong tương lai, AI chắc chắn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế xanh, hướng tới một thế giới bền vững hơn".
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/doanh-nghiep-ung-dung-cong-nghe-ai-nhu-the-nao-de-lam-giam-phat-thai-a111771.html